Đắm chìm trong đau khổ của tạo diệt kiếp người, cuống phổi của nhân quần bỗng bật lên, ngân lên những thanh âm tha thiết, đó chính là chất liệu đầu tiên của âm nhạc. Rồi những thanh âm đó được sắp xếp theo cung bậc bổng trầm tạo thành giai điệu, mượn những nhịp vỗ, nhịp khoan của tiết tấu dệt thành trương khúc(1), để trở thành một cấu trúc thật hài hòa, chặt chẽ truyền đến người nghe những luồng cảm xúc mang đậm dấu ấn bản thể của người nghệ sĩ đã ra tay sắp đặt… Có những tác phẩm một khi đã được ngân lên bởi đôi dây thanh âm, bỗng như chạm đến nỗi niềm sâu kín nhất…
“Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi. Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười...”.
Cảm xúc cứ tiếp nối theo giai điệu, tưởng như mâu thuẫn nhưng lại rất hợp lí, hợp lí trong tâm trạng của người phụ nữ, đắm đuối, mê say pha lẫn tiếc nuối, đợi chờ:
“Hẳn người thôi đã quên ta, trăng thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ. Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta. Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ”.
Rồi có một bước chuyển từ tình cảm sang suy tư luận lý, từ những thang bậc cảm tính sang lý trí:
“Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau. Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ. Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau”.
Nhưng nhạc lại chùn xuống, cảm tính đã thắng lý trí, câu hát tưởng như dồn nén, nghẹn ngào: “Anh đâu anh đâu rồi ? Anh đâu anh đâu rồi”…
“Đừng nhìn nhau nữa anh ơi. Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi. Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi. Nước mắt đã buông xuôi, theo tiếng hát qua đời…”
Đoạn cuối của bài nhạc là sự dâng lên từ từ nhưng mãnh liệt, của những lo âu, thắc thỏm, cay đắng nhưng dứt khoát, để giữ trong lòng nhau những gì đẹp nhất bởi hoa đã phai, hương đã cạn còn lưu luyến nữa chi? Để rồi, người nghe như vỡ òa những cảm xúc dồn nén đã phát triển xuyên suốt bài bởi một câu nhạc rất tâm đắc của Phạm Duy, ông viết: “Giai điệu của câu đừng nhìn em nữa anh ơi chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai nhẩy bực quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu đừng nhìn em làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát.”(5)
Phạm Duy đã cho chúng ta thấy tài phù phép của ông qua việc thêm lời, bớt chữ cho những dòng thơ gẫy gọn được nâng cánh uyển chuyển theo những giai điệu bay bổng, vút trầm. Cảm xúc như quyện chặt vào âm thanh, âm điệu vừa khơi nguồn, vừa chuyển biến, dẫn dắt thính giả đi hết bến bờ này đến bến bờ khác trong cái chất trữ tình của yêu đương…
Và… bản nhạc đã tuyệt vời như vậy thì hẳn người trình bày cũng phải được kén chọn một chút để có thể lột tả được hết cái tuyệt diệu cái thần của bài hát. Lúc trước, tôi thưởng thức được một bản trước 75 của nữ ca sĩ T.T thật không chê vào đâu được, chỉ tiếc là phối khí bấy giờ chưa tương xứng với giọng hát. Ngoài ra còn có bản thâu thanh của Tuấn Ngọc, Khánh Hà đều rất đáng nghe. Riêng gần đây, ở Việt Nam có hai giọng ca hạng đầu hát lại bài này: Đức Tuấn, Mỹ Linh. Với Đức Tuấn tôi nghĩ có lẽ cái cảm xúc anh diễn tả chưa đạt, có vẻ gì hơi ngượng nghịu, phải chăng do anh đã ép mình phải thấu được tâm trạng của nữ nhân? Còn Mỹ Linh, có lẽ đã đạt được độ chín của tài năng khi thể hiện nó trong Liveshow Phạm Duy “Con đường tình ta đi”, tôi đã chìm đắm trong cái không gian âm nhạc mà Mỹ Linh đã mở toang…
Để kết cho bài viết xin khẳng định rằng âm nhạc chính là thứ vi diệu nhất do con người sáng tạo ra để xoa dịu đi những nỗi đau, ve vuốt những cảm xúc và “Kiếp nào có yêu nhau” mang đến một sự toàn bích cao siêu ẩn trong sự gẫy gọn của những đồ rê mí. Bài hát chính là đỉnh cao của nhạc tình Phạm Duy.
Khắc Huy(1): Nhạc sĩ Vĩnh Lạc, Hát cho tuổi thơ 2.
(2),(5) và trích đoạn nhạc: trích trong hồi kí của Nhạc sĩ Phạm Duy.
(3), (4): Tạ Tỵ, "Phạm Duy còn đó nổi buồn", NxB văn học sử, 1971.
---------------------------
(2),(5) và trích đoạn nhạc: trích trong hồi kí của Nhạc sĩ Phạm Duy.
(3), (4): Tạ Tỵ, "Phạm Duy còn đó nổi buồn", NxB văn học sử, 1971.
---------------------------