Monday, 29 June 2009

Mấy lời bàn về nghệ thuật của Văn Cao qua hai nhạc khúc Thiên Thai và Trương Chi (*)




“Văn Cao là trời cho…” - Trong lời tựa quyển “Văn Cao cuối cùng và còn lại”, Nguyễn Thụy Kha đã viết như vậy. Văn Cao sinh ra là để hiến dâng cho nghệ thuật, chìm đắm vào nghệ thuật, đau khổ chua cay vì nghệ thuật trong nổi thăng trầm của loạn ly, chia cắt và những tư tưởng điên đảo, cực đoan. Biển cả quê hương đã hun đúc cho Văn Cao một tâm hồn rộng lớn, mênh mông, luôn chan chứa những khát vọng về cái mới, cái đẹp thoát tục nhưng vẫn hiển hiện và lẩn khuất nơi trần thế.


Văn Cao đến với tôi đầu tiên là một Văn Cao của trữ tình, thơ mộng với hai nhạc khúc vừa ngát giọng đất trời vừa vương vấn nỗi âu sầu dương thế, có khi vút bay trên những đỉnh cao mê mẫn, lại có lúc chìm sâu trong đáy hồ đau khổ nhưng chứa đầy những quan điểm về nghệ thuật: Thiên Thai, Trương Chi. Nhạc của Văn Cao lạ, là bởi trong nhạc lại có nhạc, dẫn dắt cái “tâm nghe” vượt hết bến bờ này đến bến bờ khác giữa một không gian mênh mông, dìu dặt tiếng tơ rung. Cuộc đời ư? Kiếp người ư? Phải chăng cũng chỉ là một khúc nhạc dạo lên bởi tạo hóa từ những nốt khắc trên khuông kẻ chằng chịt của duyên và nợ? Và nghệ thuật liệu có làm cho khúc nhạc đó réo rắt, vui say?

Trong tâm hồn của chàng Văn mười tám tuổi đã mơ một cõi thinh không mà thanh âm của đất trời hòa quyện vào thanh âm của con người hay nói đúng hơn, cõi của con người, đất trời quyện chặt.

“Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên…”

Đó là một cõi âm thanh huyền diệu của cái “tâm nghe”. Không có cảnh vật, không có khe, có động, không có cây, có lá, chỉ có tiếng sóng, tiếng gió lơi lả cùng cung bậc bổng trầm bật rung từ những dây tơ vô hình. Nhưng trong cái “nghe” mơ hồ đó, hồn ta như cảm
được “Xanh ngắt màu cây lẫn sắc trời – Mịt mù khói tỏa nẻo xa khơi - Bóng mây đầy núi chim khôn đậu -Tiếng nước quanh khe sáo giục hồi”(1). Thiên thai phải chăng là cõi của nghệ thuật?
"Âm ba, thóang rung cánh Đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan,
Quê hương dần xa lấp núi ngàn..”

Vẫn những thanh âm của con người vun vút bay xa trong bảng lảng khói sương mờ phủ, nửa hư, nửa thực, khiến cành đào cũng hòa điệu mà rơi rụng, rắc cánh đón chào tao nhân dấn bước theo nước ngọc tuyền. Ta như hóa thành chàng Lưu, hay chàng Nguyễn (cũng có thể là c
hàng Văn) giũ đi bụi trần ai, đoạn tuyệt với thế nhân mà lướt trôi vào cõi huyền diệu, cõi của mê đắm, của sáng tạo và của nghệ thuật tuyệt đối hoan lạc. Hồn ta không còn đứng bên lề nữa mà đã dạm vào “Thiên Thai”. Tiếng đàn, tiếng ca lại cất lên, vẫn chỉ có nhạc, hình ảnh người – tiên như nhập nhòe trong bóng trăng soi, đâu là mộng, đâu là thực, hay tất cả cũng chỉ là mộng ta cũng không rõ nữa, chỉ biết rằng ôi ta đã để đời rơi lại bên tai. Nhạc ở đoạn này đậm chất gì của núi non, của rừng thẳm, chập chùng trong tiếng cồng, tiếng chiêng, cuối cùng đọng lại cả một nỗi niềm khao khát…


"Thiên Thai,
Chốn đây hoa Xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn quá một lần
Thiên tiên,
Chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc Nghê Thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn…
…Đàn soi trăng lên, nhạc lắng tiếng quyên
…là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên, đàn khao khát khúc tình duyên..”

Cung điệu chuyển biến, đê mê trong cơn khát khao được giải tỏa bởi cuộc ân ái mê cuồng giữa tiên nữ và phàm nhân trong mơ màng, thơ mộng của dải ánh trăng chảy vàng trên cảnh vật, ta đã đ
ến tột đỉnh của “Thiên thai”…
"Thiên Thai,
Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trên gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần…”

Ở cõi nghệ thuật, tất cả đều bình đẳng đắm vào cung điệu của cảm xúc. Nhưng trong cái toàn mỹ thấp thoáng, có khi nhập nhoạng những vụn vặt trần tục:

"Gió hắt trầm tiếng ca
Tiếng phách ròn lắng xa…
Nhớ quê chiều nào xa khơi
Chắc không đường về tiên nữ ơi…"

Và tiên nữ phải đành “bên suối ngẩn ngơ buồn vĩnh biệ
t”(2), “rêu ngàn non quạnh bóng trăng soi”(3)… Điệp khúc được lặp lại, khi Văn Cao dẫn ta theo con đường tìm lại thiên thai của hai chàng Lưu-Nguyễn. Đào nguyên biến mất, chỉ còn rền vang tiếng hát từ xa xăm vọng lại, có chút hụt hẫng, nuối tiếc, chơi vơi, giật mình không rõ ta đang ở chốn nào giữa muôn trùng của “sắc” và “không”... “Xuân lai biến thị Đào hoa thủy / Bất biện tiên nguyên hà xứ tầm”- “Xuân về đây đó hoa và suối / Nhưng suối tiên đâu tìm chốn nào?” (4) Cảnh đã mất rồi, tiên nữ cũng không còn, cõi mơ vụt tan, nhạc chùng xuống, ta xao xuyến nhưng hình như còn nghe tiếng đàn ca trong cõi xa xăm nào đó…
"Gió hắt trầm tiếng ca
Tiếng phách ròn lắng xa,
Nhắc chi ngày xưa đó đền se buồn lòng ta…
… Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao
Những khi chiều tà trăng lên,
Tiếng ca còn rền vang cõi tiên…"

“Người sông Ngự” - Văn Cao viết bài nhạc này như một bản trường ca, khác hẳn với phong cách sáng tác của thuở đầu tân nhạc Việt
nam là theo những đoản khúc khuôn mẫu. Bản nhạc như phảng phất cái không khí của Đường thi trong khung cảnh truyện cổ về Lưu Thần – Nguyễn Triệu. Hồn ta có thể “nghe” cả trời Thiên thai trên bước đường Lưu – Nguyễn nhưng cái “thấy” thì sao mơ hồ quá. Những hình ảnh đều lẩn khuất trong sương khói huyền hoặc của âm thanh đắm say, hay tất cả cũng chỉ là mộng, cõi mộng riêng của Văn Cao. Ôi, “hồn nghe” như chạm ngõ vào một khu vườn cấm, tưởng chừng như đã mở khóa để bước vào, tưởng chừng như đã thấu được nhưng sao vẫn cảm thấy mơ hồ, mông lung quá! Bởi Văn Cao đã mơ, mơ đến một khung trời nghệ thuật tự do, phóng khoáng, có lúc tưởng chừng như đã đạt được… Nhưng ông đã mơ cả đời vậy!

Bước sang tuổi 18 “Người sông Ngự” đã dấn bước trên đường hành hương tìm đến một cõi thiên thai ẩn chứa những cái mới, cái tuyệt đối, cái sáng tạo đầy hứa hẹn. Cái dáng người mỏng manh, liêu xiêu, tưởng chừng như chỉ một cơn gió mạnh là bị hất tung lên đã hùng dũng, bước những bước đi chắc nịch trên con đường nghệ thuật. Nhưng lộ trình tìm dền chân – thiện – mỹ của Văn Cao quả thực có quá nhiều chua cay đền độ tiếng hát của ông nghẹn ứ trong một thời gian dài dằng dặc như tiếng hát chàng Trương Chi im bặt trên khúc sông cổ tích ngày xưa. 20 tuổi, chàng Văn cho ra đời tuyệt tác “Trương Chi”, liệu đó có phải là một dự cảm sau này về cuộc đời nghệ thuật lắm truân chuyên?

“Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ
Vương vất heo may hoa yến mong chờ
Ôi, tiếng cầm ca thu tới bao giờ.

Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang,
Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan
Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng
Đây đó từng song the hé đợi đàn.”





Lời mở đầu cho nhạc khúc Trương Chi như vẽ lên bức tranh của trần gian cổ tích đậm chất thơ bằng nét cọ của “tiếng cầm ca”. Giữa sắc thu vàng, giai điệu trầm trầm tơ rung chập chùng len theo mây gió làm chao đôi cánh nhạn rồi len lỏi vào cõi lòng bơ vơ cho bật lên cái tâm thao thức, khắc khoải. Nghệ thuật là vậy đó, nó khiến người ta chìm đắm, mê mẩn để rồi mường tượng, khát khao, mong chờ… Đã có lúc, người ta đã qui nghệ thuật thành một cái chung chung, bình dân, cứ ngỡ rằng nghệ thuật gắn liền với thực tế đặt trong một bối cảnh tư tưởng chủ quan, của môt số cá nhân cứ ngỡ đã nhân danh quần chúng là chân nghệ thuật. Nghệ thuật đó chỉ là tiếng hót của con chim phải học hót trong lồng. Nhưng thực tế đã chứng mình rằng thứ nghệ thuât này đã làm câm lặng, thui chột, tắc tị biết bao tài năng. Nghệ thuật cần những đồng cảm từ những đối tượng nhất định, có cái tâm thưởng thức nhất định. Trở lại ca khúc Trương Chi, với Văn Cao, đối tượng cùa nghệ thuật có sự diễm lệ của thăng hoa, giống như khi trăng đã vằng vặc thì phải có mây gió, lá hoa cùng lả nhịp:
“Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân
hò khoan mơ bóng con đò trôi
giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi, lả lơi bên trời”
Và giai nhân đã phải thốt lên rằng:
“Khoan khoan đò ơi! tương tư tiếng ca
Chàng Trương chi cất lên hò khoan,
đêm thu dài đến khoan tiếng nhạc ơi!
Nhạc ơi thôi đàn.”

Mặc dù vậy, không phải người nghệ sĩ nào cũng được có được sự thấu hiểu, nghệ thuật được tạo ra đôi khi vẫn mang một hình thù khác người như cái dáng vẻ xấu xí của chàng Trương Chi, khiến cho người ta tàn nhẫn xa lánh tuy rằng nó đã từng nâng những cảm xúc lên dạt dào mĩ cảm. Văn Cao cùng tác phẩm của ông cũng vậy, có lúc nó bị vứt bỏ, bị phủ nhận, cố tình quên lãng, để lại trong ông nỗi rưng rức, nuối tiếc đến chạnh lòng. Thật não nùng khi ly biệt những cái m
ình đã tin, đã yêu say đắm, đã rút tinh hoa mà kiến tạo.
“Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung, Anh thương nhớ,
Oán trách cuộc từ ly não nùng.

Đò trăng cắm giữa sông vắng
Gió đưa câu ca về đâu?
Nhìn xuống đáy nước sông sâu
Thuyền anh đã chìm đâu !”

Ừ, thì con thuyền Trương Chi đã chìm sâu đáy nước. H
ình ảnh này ám ảnh Văn Cao và sau dó cũng ám váo đời của ông. Con thuyền nghệ thuật của Văn Cao có lúc phải cột lại trong cái ầm ào của sóng cả tư tưởng cực đoan, bó hẹp. Anh Trương Chi mang đến cho cuộc đời tiếng hát, làm mê đắm lòng Mỵ Nương nhưng vì vẻ ngoài xấu xí mà người đẹp từ chối tấm chân tình của người chèo đò. Đời là vậy, cái đẹp chân thực không phải bao giờ cũng trong vỏ bọc mĩ miều, đôi lúc đó bị nhầm lẫn, bị hắt hủi đến tội nghiệp! Tiếng hát chàng Trương chỉ còn là những âm thanh đắng cay còn vang vọng bên bờ lau lách, chỉ còn là nỗi uất nghẹn chìm sâu…
“Thương khúc nhạc xa vời
Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi.
Sương thu vừa buông xuống
Bóng cây ven bờ xa mờ xóa giòng sông
Ai qua bến giang đầu tha thiết,
Nghe sông than mối tình Trương Chi
Dâng úa trăng khi về khuya,
Bao tiếng ca ru mùa thu.”

Nghe đoạn nhạc này, ta không khỏi giật mình! Văn Cao đang khóc thương cho nghệ thuật của mình, nghệ thuật của những người bị con mắt hạn chế của thời thế đè nén, bóp nghẹt! Ông hoàng ơi, sao ông đã sớm nhỏ lệ cho chình mình, phải chăng ông đã có những dự cảm về cuộc đời? Câu nhạc quá não nề, mang một vẻ sầu thương, buồn thảm. Cũng sương khói đó, cũng ánh trăng đó nhưng sao không có cái bảng lảng, thơ mộng của Thiên Thai, mà chỉ hiện lên cái mờ đục của tàn phai, buông thõng, trăng đang rơi lệ! Ta như cảm được tiếng mưa rơi trong từng nốt nhạc, chợt rùng mình như có ai đang than khóc cùng mưa gió, hồn chàng Trương đã về? Hay hồn nghệ thuật đang đòi lại sự nhìn nhận công bằng? Cổ tích xưa đã cho một cái kết có hậu, Mỵ nương rơi lệ trước khối tình Trương Chi như một sự ân hận, nhưng ở đây Văn Cao tàn nhẫn quá, còn thuyền Trương Chi của ông đã chìm sâu chỉ còn bàng lảng bóng người vất vưởng trong gió mưa:
“Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn
Còn nghe như ai nức nở và than,
Trầm vút tiếng gió mưa
Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng?...
…Cùng với tiếng gió vương,
Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa…
Đò ơi! đêm nay dòng sông Thương dâng cao
Mà ai hát dưới trăng ngà
Ngồi đây ta gõ ván thuyền,
Ta ca trái đất còn riêng ta…”
Văn Cao, cả một đời vị nghệ thuật, nếm trải đầy những cay đắng của thời cuộc. Đã có lúc người ta muốn thay thế bài Quốc ca của ông. Đã có lúc tưởng chừng như ông đang cô độc trong con đường tìm kiếm Thiên Thai của nghệ thuật, “ta ca trái đất còn riêng ta”. Và đã có lúc ông phải hét lên rằng: “Đâu bóng thuyền Trương Chi”. Nhưng chắc chắn lửa nghệ thuật trong ông không bao giờ thôi ngùn ngụt, mùa xuân năm 76, Văn Cao cho ra đời nhạc khúc “Mùa Xuân Đầu tiên” trong niềm hoan ca của đất nước thanh bình, hi vọng một sự thay đổi, cởi mở hơn, mang tính nhân văn hơn trong những định hướng dành cho nghệ thuật. Đối với ông nghệ thuật là lẽ sống, là tinh hoa của cuộc đời, là máu thịt của ông. Chàng Trương Chi của ông đã vượt qua tất cả những cay nghiệt để chứng minh một chân lý đó là nghệ thuât đích thực không bao giờ bị lãng quên, bị phủ nhận. Nghệ thuật luôn khắc sâu vào nhân sinh, nhân bản, nó sẽ mãi tồn tại cho dù có bị khoác cho cái hình hài xấu xí, kì dị. Những rung cảm thực sự luôn tìm được sự đồng cảm chân thành. Văn Cao, cái tên vẫn sẽ được thế hệ sau nhắc đến bởi những mở đường của ông trong ba lĩnh vực thơ, nhạc, họa. “Người ta yêu Văn Cao vì yêu những người cố mở đường mà thất bại, và cũng vì yêu những người biết thất bại mà dám mở đường”(5). Những trăn trở, đau đáu về nghệ thuật của ông cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học. Nghệ thuật gắn liền với dân sinh, mang tính nhân bản và phải được sáng tạo bằng cái tôi tự do tuyệt đối của người nghệ sĩ. Và người nghệ sĩ thì “…có người nói thẳng tới cái vô cùng tận của trời xanh, có người nói cái vô cùng tận của trời xanh qua cái rộng của biển, cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận trong bát nước và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để tìm thấy cái vô cùng tận của trời xanh. Có người phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi…” (6), đó đều là những người nghệ sĩ tự do thăng hoa. Có thể xem đây là mong ước từ cõi lòng của Văn Cao – nghệ sĩ hay minh triết về nghệ thuật của Văn Cao – người mở đường cũng được. Xin mượn mấy lời sau để kết cho bài viết này: “Tiếng hát Văn Cao, khiếm diện, âm thầm, vang trong tiềm thức, sống âm ỉ trong nội tâm của mỗi chúng ta… Văn Cao là nghị lực tiềm ẩn, là sự bất khuất nghẹn ngào chìm đắm trong ta, là khí phách ngậm ngùi chờ ta ở một vùng bồng lai tiên cảnh.”(7)
Trại sáng tác Tam Đảo, 29/05/2009
Khắc Huy.
---------------
(*) Trích dẫn hai bản nhạc trong bài dựa theo tập“Nhạc tiền chiến” – Kẻ Sĩ xuất bản, Saigon 1970.
(1),(2),(3): “Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai” – Tào Đường, bản dịch của Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng, Ngân Bích.
(4): “Đào Nguyên Hành” – Vương Duy, bản dịch của Vũ Thế Ngọc.
(5), (7): “Văn Cao - Phạm Duy: Trần Gian và Tiên Cảnh”, Nguyễn Thụy Khuê.
(6): “Mấy ý nghĩ về thơ”, Văn Cao.




No comments:

Post a Comment