Monday, 27 September 2010

Nhớ mùa thu Hà Nội ...



Hà Nội – đối với người con đất Việt phương Nam, vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa linh thiêng vừa thơ mộng. Mỗi khi nhắc đến Hà Nội, trong lòng lại nghe rộn rã một cảm xúc nào đó. Những ai chưa đến thì chỉ mong in dấu chân mình trên con phố quanh hồ Gươm xanh mát, được một lần đứng bên Tháp bút mà nghĩ ngợi cùng nỗi niềm hoài cổ. Những ai đã đến rồi lại mong có thêm cơ hội nữa để khám phá ngóc ngách của đô thị ngàn năm – ở đó có dấu rêu phong năm cũ nằm lẫn chung văn minh thời hiện đại. Và những ai từng sống ở Hà Nội thì cho dù đi đâu, “mỗi khi thấy ngọn gió vàng heo hắt trở về, người ta tuy không ai nói với ai một câu nào, nhưng đều cảm thấy cõi lòng mình se sắt”“nhớ không biết bao nhiêu! Mà nhớ gì? Nhớ tất cả, mà không nhớ gì rõ rệt!”.


Dường như, nhắc về Hà Nội, người ta thường kể về những chiều đông rét mướt khiến cho tâm hồn trĩu nặng nỗi niềm và nhất là những hàng cây vàng úa mùa thu tô điểm thêm cho mái ngói cổ kính thâm nâu. Thu về cây trút lá vàng , gửi nhẹ hiu hiu buồn theo gió, những con đường se se lạnh như bật lên thành nét thơ, nốt nhạc theo từng bước chân người Lữ khách…

“Hà Nội mùa thu!
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu.
Hà Nội mùa thu - mùa thu Hà Nội

Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió.
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.”

Câu hát gọi thu về giữa phố , không rõ thời gian, nhưng sắc thu quánh đặc không gian. Khi tháng Tám chưa đủ để “dặt dìu sương rơi heo may”, nắng mới nhạt màu một chút mà lá cây đã như trải trên đường sắc thu mông mênh. Thu về chưa đủ làm người ta rùng mình nhưng cũng đã khiến cho những hàng cây bên đường bắt đầu trút lá. Trịnh nhạc sỹ đã dùng nhạc mà vẽ nên bức tranh thu rực rỡ, với nét điểm tô trầm mặc của “Phố Phái”. Thu Hà Nội hiện ra không phải bởi những sợi tơ sương vương vấn tương tư, không phải là một sự chuyển sắc đột ngột của lá cành, cũng không phải là chút hanh hao khiến lá khô vun gốc cành xương gầy hao - xào xạc vỡ dưới chân người. Thu chớm về từ những góc phố rất xưa.

“Ngỡ rằng chỉ có thi nhân mới đợi thu sang, nhưng thực tế phố phường vẫn là nơi diễn ra những tín hiệu mùa tinh tế nhất”. Thu Hà Nội trong nỗi nhớ của Trịnh Công Sơn là sự kết đôi thi vị của “cây cơm nguội vàng”“cây bàng lá đỏ”, thu không cô đơn! Bức tranh của âm nhạc không chỉ có gam màu tĩnh, ta như thấy gió nhẹ rung cành mang theo thoang thoảng mùi hoa sữa, níu bước chân người trên con phố quen và hương cốm mới xanh non thoang thoảng trong lớp lá sen dầy được hé mở bơi đôi bàn tay xinh xắn của cô bánh hàng rong ỏn ẻn cười, duyên đến lạ! Ôi chỉ chừng ấy nốt nhạc, chỉ chừng ấy ý thơ mà vẽ nên những đường nét trong sáng, nhẹ nhàng, vừa tĩnh lặng vừa sống động, không kém phần thanh nhã của đất kinh kỳ. Thu tươi tắn lạ lùng!

“Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…”

Một hòn đá ném xuống mặt hồ, cho ngàn sóng lan ra xa, không gian thu chợt bùng lên, mở rộng về Hồ Tây bát ngát. Mênh mang tâm thức hòa cùng với mênh mang của không gian, thu rực rỡ nhường dần cho thu bảng lảng. Tất cả như chìm vào màn sương mờ ảo, khơi gợi. Những dòng chảy của quá khứ, của những xa xôi ngày cũ lẩn khuất đâu đó giữa “màu sương thương nhớ”. Mặt nước lay động phải chăng là do gió, do lá vàng rơi rụng, hay bởi những đập cánh liên hồi rướn về chút hơi ấm mặt trời lúc ánh chiều vàng sắp tắt của “bầy sâm cầm nhỏ”? Không, sóng lăn tăn bởi lòng ta đang động! Nhớ nhung, lưu luyến, nuối tiếc, ngậm ngùi, ta không còn phân định rạch ròi được nữa…

"Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người,
Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai
Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi,

Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.
"

Như một vòng chu chuyển, mông mênh của không gian rộng lớn lại thu hẹp vào nỗi bâng khuâng, hiu hiu buồn khó lý giải của lòng người. Thu Hà Nội như câu đố cho kẻ lữ khách nặng tình, tưởng chừng như đã giải được nhưng chỉ thoáng giật mình bỗng thấy xa xôi. Thu vẫn đầy vẻ bí ẩn cho dù ta đã đem hết đắm say mà cảm nhận, thôi thì cứ lặng lẽ trở về với chính mình mà suy tư, lắng đọng, gạt bớt chênh vênh mặc cho dòng thời gian cuốn trôi! “Hãy cứ để tiếng nhạc sầu ru mãi cuộc tình xa! Như bóng chim xưa sẽ sống mãi dưới đáy hồ mộng tưởng!”


"Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội…
Nhớ đến một người để nhớ mọi người….
"

Câu nhạc cuối ngân dài như sự chùng xuống của những dồn dập tình cảm. Từ một nỗi “nhớ ai” chơi vơi giữa sắc thu đã diễn tiến lên thành niềm yêu thương rộng lớn đối với con người và cảnh vật của Hà Nội. Yêu thu Hà Nội, ta yêu luôn góc phố, yêu thu Hà Nội ta yêu cả con người. Mà hình như không phải chỉ góc phố, con người, ta yêu tất cả những gì thuộc về Hà Nội ngàn năm thương nhớ.

“Nhớ mùa thu Hà Nội” là bài ca có cả thi, nhạc, họa mà Trịnh Công Sơn đã dành tặng cho đất Thăng Long cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Một ít hơi lạnh, một thoáng sương mờ, một chút hanh hao và bâng khuâng se sắt giữa sắc đỏ, vàng làm dậy lên cảm xúc khó tả. Với tâm hồn tinh tế, cảm nhận tài hoa cùng tình yêu da diết, nhạc sỹ đã đưa cả những người chưa đến Hà Nội bao giờ lạc bước trên những néo đường thu, trải nghiệm cái chát đặc của nỗi buồn se sắt nhưng vẫn đọng lại chút dư vị ngọt ngào kỳ dị để rồi tự hứa với lòng sẽ có một ngày lắng nghe “từng con đường nhỏ” thầm thì bí ẩn của mùa thu. Thu Hà Nội, ta hẹn ngày mai!

Phan Khắc Huy

No comments:

Post a Comment