Wednesday, 25 August 2010

Bánh Quê


Lúc đi xa đứa con miệt vườn hay nhớ những gì? Có người bảo đó là bến nước bên dòng sông xanh mướt mát, có người nói là quán nước nhỏ ven đường rộn rã, cũng có khi đó là “người muôn năm cũ” giờ chẳng biết lưu lạc chốn nào, hay nói như Vũ Bằng: “Nhớ tất cả, mà không nhớ gì rõ rệt”. Đôi khi nỗi nhớ là thoáng buông lòng lắng lại khi bắt gặp chút quê mùa trên sề bánh ế chiều mưa Sài Gòn, trong con hẻm nhỏ.
Thường thì, ở đất Sài Thành, con người vội vàng đi về nhưng lắm lúc, nhạt miệng, lại muốn tìm “vị xa xưa”, muốn nếm “hương kỷ niệm”. Nhưng trời có lúc nào cũng chìu theo ý? Rồi nỗi bâng khuâng man mác đó cũng chìm vào cái nhộn nhịp nơi phố thị. Lắm lúc ta như quên hết ta từ đâu đến, ta từng như thế nào, cứ bước đi như có lực đẩy vô hình không cho dừng lại, mà rướn mình theo hoa lệ vởn vơ trước mắt. Thảng hoặc, một chiều mưa Sài Gòn, đâu đó trong con hẻm nhỏ dài hun hút, ngoài khung cửa khép kín vang lên lời rao run run khản đặc “Ai… bánh da lợn hôn …” Tiếng rao thảng thốt, đứt đoạn, hụt hơi chìm vào rả rích cơn mưa. Ta giật mình, bật tung chốt cửa, ngóng trông! Ngóng trông bóng dáng, ngóng trông âm thanh, ngóng trông hình khối? Không! Không phải! Hình như ta đang ngóng cái gì đó xa xăm, mơ hồ mà quen thuộc, đang lẩn khuất đâu đó giữa khung cảnh này. Phải chăng, chính cơn mưa làm nảy nở những thiết tha thương nhớ, làm mềm lòng người con xa xứ?

Ừ thì, con người suốt đời chỉ lẩn quẩn, chìm đắm mãi vào những nỗi ngóng trông. Còn nhớ lúc nhỏ, lắm khi tha thẩn đợi chờ, chỉ đơn giản là chờ vòng tay ấm áp của bà, của mẹ về nhà sau phiên chợ, kèm theo dăm thức quà bánh nho nhỏ. Một đùm bánh nếp nhưn chuối gói lá dừa, một bọc bánh bò bông xanh, tím hay một lát bánh da lợn dinh dính, ngòn ngọt, thơm tho cũng làm ta rộn ràng đến lạ! Ta chẳng thể nào quên được cái vị ngon mê ly của bữa bánh đợi chờ. Cảm giác bóc từ từ lớp lá gói, hay gỡ từng lát bánh sao mà hồi hộp, ngọt ngào như nụ hôn tình đầu. Niềm vui của trẻ con ngày ấy đơn sơ quá, chỉ cần chiếc bánh bò hấp, nở ra ba cánh, phơn phớt tím màu lá cẩm, hay xanh tươi rói của lá dứa, lấm tấm vài hạt mè hay vài chiếc bánh quy làm bằng bột nếp, ép khuôn lên lá chuối, ở giữa điểm thêm chút màu đỏ chót để phân biệt nhưn đậu với nhưn dừa cũng đủ cho cả ngày hứng khởi. Sướng nhất và nhớ nhất là lúc làm bánh ngày Tết hay giỗ ông bà. Trong không khí chộn rộn, người lớn gói bánh, con nít tíu tít chạy quanh. Bánh làm ra cũng lắm màu, nhiều vẻ, bánh tét màu lá cẩm, màu là dứa, trộn đậu đen, đậu phộng hoặc dừa nạo vào nếp, bánh tét nhưn ngọt, nhưn mỡ hành, trứng vịt, thịt ba rọi, nhưn chuối…lại có cả bánh ít làm bằng bột nếp, nhưn đậu xanh, nhưn dừa, hoặc tôm, thịt gói bằng lá chuối xanh đem hấp chín. Và ở góc nào đó giữa khu vườn tươi mát miên man, có đứa nhóc nhẩn nha cắn từng chút, từng chút một, phân vân nửa muốn ngốn ngấu cho đã thèm, nửa lại luyến tiếc nhinh nhính để dành hương vị thơm ngon.

Đôi khi, trên con phố quen thuộc, nhà cửa san sát, mặt tiền phơi bày hết vẻ tráng lệ sang trọng, ta bắt gặp hàng bánh nép mình dưới gốc cây me tươi tắn. Dừng lại, chọn vài món. Cũng thứ bánh ấy, cũng gạo, cũng nếp, cũng nước cốt dừa lại được làm lớn hơn, đẹp hơn mà sao vị cứ thấy nhàn nhạt, ngây ngấy. Những thức bánh hình như được làm từ một lò, bỏ mối khắp phố phường thiếu hẳn đi vị tài tình, công chăm chút của con người chất phác thôn dã, lại không được tẩm ướp thêm tấm lòng thương con, thương cháu thành ra bề ngoài mang vẻ lịch lãm, đầy đặn nhưng kì thực chỉ ẩn chứa sự tầm thường của “miếng tồi tàn”, chẳng đáng bận lòng để nó trôi nhanh chóng vào con vị.

Quả là, cái sự ăn uống không phải đơn giản, người ta vừa nếm vị, vừa ngửi mùi, vừa lắng nghe thanh âm, vừa chìm vào khung cảnh. Món nào cho ta thưởng thức đầy đủ hương, thanh, sắc, vị sẽ làm ta nhớ mãi. Mà kể cũng lạ, lúc người ta da diết nhớ thì người ta hay tưởng tượng. Ngon, ngọt, béo, bùi chưa đủ, ta còn nêm nếm vào đó chút trữ tình thôn quê đầm ấm, chút dịu êm thương mến của thân bằng quyến thuộc để mà ước ao, thèm thuồng. Những thứ mà ta không để ý, bỏ quên đi lại trở thành to tát, quan trọng. Những món bánh tủn mủn, quê mùa, bị rẻ rúng đã thành một phần tình cảm, tâm hồn. Ta nhớ bánh! Nhớ chân đồng, góc ruộng, nhớ con trâu nhởn nhơ gặm cỏ miệt đồng bằng thẳng tắp, nhớ cánh cò xoải rộng tung bay giữa ráng chiều tha thẩn. Nhớ mùi trầu, mùi thuốc trên áo bà ba nâu sồng của bà; mùi nắng tỏa ra từ vòng tay của mẹ! Càng nhớ, ta càng hụt hẫng, tự trong đáy lòng có nỗi tủi thân nào nó lâng lâng, chực trào.

Tôi vẫn nhớ từng khuôn mặt của những người bán rong hay đi ngang ngõ nhà. Một bà bán bánh tét, thấp người, nhỏ con gánh đôi quang đầy ắp, luôn cười típ mắt khi bán được hàng, một anh cục mịch phanh ngực áo cất giọng trầm trầm cưỡi con xe đạp lủng lẳng từng chùm bánh dừa trên gui-đông, một chị bầu bỉnh đậm người cắp theo thúng bánh cam bánh vòng với đôi mắt rụt rè nài nỉ. Nơi nào họ đi qua, nơi đó rộn rã bước chân con trẻ. Có đáng là bao? Bán hết chừng ấy cũng chỉ được vài chục ngàn lời, ấy thế mà, ngày qua ngày, họ vẫn cần cù, lam lũ chắt chiu lấy tinh hoa của thiên nhiên, đất trời, sông nước miệt vườn, họ đem cái công tỉ mẩn sớm hôm để mang đến nét rạng rỡ trên môi cười thơ ngây của đám con nít mà đổi lại niềm vui đắt hàng trong cuộc mưu sinh. Dù cho thời cuộc có thay đổi, đất này trải lắm cuộc bể dâu thì hình ảnh cần cù chân chất ấy khó mà phải nhạt được trong tâm thức của người Việt. Thiết nghĩ cái gì đã qua bao nhiêu năm tháng vẫn hiển hiện giá trị vững chắc, tươi mới, gắn liền với tâm tư tình cảm của cộng đồng như vậy chắc hẳn cũng nên tôn là “ Quốc gia chi bảo”.


Và, chiều nay bà cụ bán bánh dưới mưa, dõi ánh nhìn dao dác vào những khung cửa khép kín gợi cho ta nỗi thương cảm triền miên của người con tha hương, tưởng chừng như đã bị vùi lấp hẳn. Vẫy tay gọi rồi nhón lấy lát bánh nho nhỏ, dinh dính mà mừng rỡ như thuở còn vụng dại ngày xưa, đỡ nhè nhẹ mà rụt rè thường thức. Nhắm mắt để thấy mình năm cũ, tĩnh tâm để gặp lại cố nhân. Đã đành đấy chỉ là vớt vát hoài niệm nhưng cũng tìm được chút thanh thản thoáng qua mà trù tính một cuộc trở về nơi nhau rốn.

Tôi, đứa con của sông nước miệt vườn vẫn hay thơ thẩn nghĩ ngợi về cảnh cũ, thường nảy nở những nỗi nhớ sâu xa, đằm thắm mà thả lạc phách chu du vào dĩ vãng. Con người có “tình” thì nặng lòng về quá khứ như vậy. Chắng biết bao nhiêu sát na đã trôi qua vùn vụt mà vật đổi sao dời nhanh như chớp mắt. Cuộc sống cứ phát triển, đô thị lấn dần nông thôn, liệu những bước chân rong ruổi của bà, anh, chị bán những thức bánh quê mùa sẽ thưa dần rồi mất hút đi? Tận sâu trong đáy lòng tôi vẫn hy vọng điều đó không bao giờ thành hiện thực để còn có chốn mà gửi niềm thương nhớ mông lung và để cho đám con cháu sau này vẫn còn một sợi chỉ kết liên vào cái gốc văn hóa cổ truyền, tự hào là người Việt Nam, ăn thức ăn Việt Nam giữa khung cảnh trữ tình hàm ẩn của Việt Nam.
Phan Khắc Huy

No comments:

Post a Comment