Monday 28 December 2009

“Ai ăn bánh chuối, bánh lá, nước cốt dừa hôn …”


Có thể nói chẳng nơi nào sản vật lại phong phú như miệt vườn Nam Bộ. Một buổi trưa hè lạt miệng, sai sấp nhỏ nhanh nhảu len lỏi qua mấy liếp cây sau vườn là có dăm trái cam, trái bưởi ngọt thanh cổ họng hay lúc lắc chùm ổi giòn rụm kẽ răng, hoặc biết đâu còn cả quài chuối xiêm chín già, giấu mình kĩ sau những tàu lá mượt mà, xanh đến mát cả nắng ban trưa.


Cầm trái chuối trên tay, cũng nên bàn thêm một chút về việc ăn chuối. Ông bà ta xưa dạy rằng ăn chuối phải bẻ đôi trái chuối, ăn từng nửa, vỏ chuối phải lột ra từ từ giống như bông hoa đang nở rồi từ tốn cho vào miệng, vừa thưởng thức vị ngọt bùi dằn chút chua chua, vừa hít được mùi thơm làm dịu khứu giác, vừa nhìn được cái trắng nõn của ruột chuối. Ăn gắn liền với thưởng lãm, ấy mới đúng là con người lịch sự và phong nhã!
Chuối cũng có nhiều loại mà cách ăn cũng khác nhau. Có loại ăn tươi khi chín như chuối xiêm, chuối cau.. Có loại ăn khi còn dốt dốt ngon mà đỡ ngán như chuối hạnh tiên, chuối già hương. Chuối sáp, chuối tá quạ thì phải nấu trước khi ăn. Riêng chuối xiêm (hay còn gọi là chuối sứ, chuối tây) chưa chín ăn có vị hơi chát, để chín già thì trong ruột vàng sẫm, ăn mềm mà ngọt dịu chứ không quá bùi dễ ngán như chuối già hay ngọt đậm như chuối cau. Lúc nông nhàn nằm vắt vẻo, đung đưa võng kẽo kẹt, con mắt xa xăm dõi theo cái xào xạc của tán lá làm lúng liếng những tia nắng trên khoảng sân, rồi chợt nhìn ra hàng hiên phát hiện quài chuối xiêm bỏ quên hôm nào vỏ đã thâm kim, chép miệng vài cái, rồi bật dậy, lột quả dừa khô, làm bánh chuối!

Chuối lột vỏ phải dùng dao đập cho dập ra, phải đập đều tay, chuối đập xong phải nhừ hết nếu không sau khi làm ăn sẽ lợn cợn. Xong rồi vắt nước cốt dừa, lấy một ít thôi, quấy bột gạo, cho thêm vài thìa đường cát trộn chung vào, nhớ dằn thêm chút muối. Sai đứa nhỏ nhanh chân ra bụi chuối đằng sau, chọn một vài tàu lá không già quá mà cũng không non quá còn nguyên vẹn, bảo nó cắt nhẹ tay một chút để tàu lá không bị rách ngang, mang vào lót xửng. Xửng và lá được thoa chút dầu, rồi đổ hỗn hợp chuối đã trộn đều vào, bắc lên hấp. Phần nước cốt dừa còn lại ở trên thì sên với lửa riu riu, cho đường, bột, tí muối rồi cắt thêm mấy cọng hành lá. Khi nắng chiều vàng bắt đầu rải mỡ màng lên đọt dừa soi bóng con mương nhỏ thì màu bánh chuối cũng đã trong lại – bánh chín rồi đó. Bánh chuối hấp chín cắt lát mỏng, chan nước cốt dừa lên, rắc thêm đậu phộng đâm nhuyễn hay ít mè rang. Chao ôi cái ngọt thanh thanh của bánh, cái bùi cái béo của nước cốt dừa, của đậu phộng, đượm thêm chút thơm của hành lại phảng phất hương quê từ tàu lá làm mê tơi vị giác, khiến cho lòng dịu mát. Bưng dĩa bánh ra gốc bưởi sau hè, trong râm mát của tán lá, tha thiết tiếng ve gọi hè, ta nuốt trọn cả tình quê.

Bánh chuối nhiều khi ăn với chút cầu kì, người ta thêm vào bánh bò, điểm xuyết chút xanh của bánh lá. Tôi còn nhớ, thuở nhỏ sống trong khu nhà tập thể của cơ quan mẹ, ngôi nhà cũ kĩ, tường quét vôi vàng loang lỗ, có khung cửa sắt chín ô luôn đầy ắp những tia nắng xiên xiên qua kẽ lá của cây xoài cổ thụ. Trong mơ màng giấc ngủ trưa, xa xa vang vọng tiếng rao “Ai ăn bánh chuối, bánh lá, nước cốt dừa hôn…”, lập tức tôi vùng dậy, chụp ngay cái dĩa để sẵn trên cũi gỗ, không quên xin mẹ vài trăm đồng lẻ phóng một mạch ra trước cổng cơ quan, vừa đúng lúc bà Hai hạ gánh bánh chuối xuống vệ đường. Người ta quen gọi bà là bà Hai bánh chuối, người gầy, dong dỏng cao, miệng hơi móm cùng nụ cười hiền hậu, nhanh tay cắt những bánh lá, bánh chuối, bánh bò rồi rưới lên 1 vá nhỏ vung nước cốt dừa thơm ngầy ngậy, riêng tôi, khách quen, lúc nào cũng được ưu tiên nhiều hơn một chút.

Bánh của bà Hai ngon lắm! Bánh chuối không quá ngọt, không quá béo, không quá dẻo, nó vừa đủ để người ta ăn xong vẫn thòm thèm. Bánh lá vừa thơm vừa ngòn ngọt vị đường, vị lá dừa nước, vừa ngai ngái mùi lá mơ, lại mang cái giòn dai của bột vừa chín tới. Bánh bò không dai mà xốp, có mùi thơm nhẹ thoảng chút chua nhẹ của rượu. Đặc biệt là nước cốt dừa, mèng đéc ơi, đó là vị nước cốt ngon nhất mà tôi đã từng ăn, nó thanh mà không gắt, bùi mà không ngấy, thơm dìu dịu của mùi dừa mới nạo, tịnh không một chút hăng hăng của dầu, lại hòa quyện với mùi hành lá được xắt mỏng rất khéo. Tất cả hòa quyện, tạo thành dĩa bánh đầy vung thực hấp dẫn, thực quyến rũ. Tôi ăn từ tốn từng miếng một, luôn chừa bánh chuối ăn sau chót, lại vét cho kì hết đến giọt nước cốt cuối cùng. Hôm nào ngủ quên, không mua được bánh thì lòng tiếc hùi hụi, hụt hẫng như đứa trẻ bị giựt lấy kẹo khi sắp đưa vào miệng, hụt hẫng như con kiến vàng bò ra bò vào cành cụt.

Có ngày mưa tưới nước ăm ắp lên khoảnh sân trước nhà, tiếng bà Hai bánh chuối như lạc đi giữa cái ào ạt của cơn mưa mùa hạ, cái dáng xiêu xiêu oằn nặng quang gánh gập ghềnh dẫm nước mà đi. Bà ghé vào hàng hiên của căn nhà tập thể để mời gọi “Hôm nay mưa, ế quá con ơi ….” Vậy là hôm đó khách quen cùa bà đã phá lệ mà mần luôn hai dĩa ngon lành. Mẹ tôi men theo hàng ba sang những nhà bên cạnh, gọi mọi người giúp làm nhẹ đi những chồng bánh ế chiều mưa. Bữa bánh tuy nhàn nhạt lẫn chút nước mưa nhưng thấm đẫm cái tình cảm thông, chia sẻ. Vị bánh thật lạ như được rưới thêm sự mừng rỡ, tươi tắn của nụ cười móm mém hiền từ. Sau này, cứ mỗi lần ăn bánh chuối, tôi lại nhớ da diết dĩa bánh ế chiều mưa hôm đó, ấm áp lắm!

Tuổi thơ tôi đầy ắp những lời rao, mà có lẽ “Ai ăn bánh chuối, bánh lá nước cốt dừa hôn ?” là lời rao quyến rũ nhất. Một món ăn dân dã, “nhà quê” lại hợp túi tiền luôn làm thỏa cái vị giác thòm thèm của đứa con nít đang lớn. Ăn bánh chuối, ta tiêu hóa cái hồn của đất, cái thanh sắc của cây lá miệt vườn và cả cái tình của người thôn quê khéo léo. Thoảng theo hương thơm dịu nhẹ chợt hiện về những miền kí ức trong trẻo. Cắn miếng bánh mà nhai từ tốn để thấy lòng chợt thanh thản, quay về ấn ngụ trong tuổi thơ ăm ắp niềm lạc quan, vô tư lự.

Phan Khắc Huy

Wednesday 23 December 2009

Ăn sang bình dân


Tui chắc rằng chục bạn đọc cái tựa này đều có một thắc mắc chung: quái, đã sang sao mà còn bình dân, tên viết bài này rõ… hâm? Tui khẳng định mình không phải nhà ngôn ngữ học nên không có ý tưởng sáng tạo từ mới thêm vào từ điển tiếng Việt, chẳng qua tui chỉ vô tình nghĩ đến chữ này khi đầu tháng, túi rủng rỉnh tiền, chơi sang, đi ăn bít – tết.


Sinh viên du học Sài thành, như tui, như nhiều bạn khác có lẽ vui vẻ và thoải mái nhất là vào đầu tháng, được gia định gửi tiền lên chi viện, ví dày mà lòng thơ thớ. Trừ đi dăm khoản tiền nhà, tiền net, tiền lặt vặt, còn lại là tiền ăn cả tháng, tự nhiên sẽ nổi lên cái hứng thú đi ăn gì đó cho sảng khoái khẩu vị, để bồi dưỡng cái bao tử tội nghiệp mấy ngày cuối tháng thiếu ăn! Ăn một bữa, bằng tiền ăn cả ngày thường, ăn ngon hơn mọi ngày, ăn nhiều hơn mọi ngày và ăn thoái mái không quan tâm đến giá cả, như vậy đã là ăn sang rồi đó! Người đi làm rồi, thu nhập kha khá thì sẽ ăn sang theo kiểu có tiền, sinh viên đi học, còn cậy nhờ cha mẹ thì ăn sang theo kiểu sinh viên, ăn sang một cách bình dân! Người ta có đô-la, chạy đi-lăng, mang kính Gu-chi đi nhà hàng khách sạn Ca-ra-ven ăn buyp-phê, tui, xài tiền Việt, đi xe cub, đeo kiếng cận rẽ vào ngõ đối diện Đại học Bách khoa, ăn bit-tết.

Cái sự ăn sang bình dân cũng có lắm lựa chọn, đơn giản nhất là ghé vào quán quen gọi những món ngon nhất, đắt nhất, , ngồi ghế nhựa mà chờ chủ quán bày lên bàn nhỏ, nhìn no con mắt, rồi bắt đầu từng món từng món trôi xuống dạ dày một cách chậm rãi, ngon lành. Cách ăn sang thứ hai đó là ăn những món khác với mình ăn thường ngày, không cháo, không cơm, không phở, ta ăn bánh mì cà ri, bánh mì bit-tết, hú tíu “sư phụ”… Nếu như bạn chung phòng trọ lãnh tiền cùng ngày với ta thì rủ nhau sang quán nhậu vỉa hè, gọi mấy chai Sài gòn đỏ rồi lựa mồi cho bắc, khè khà cụng vài ly mà vui say với nhau một bữa gọi là. Ai đã có đôi có cặp rồi thì chờ chiều mát mà chở nhau đến quán tinh tươm, có bảng hiệu, ghế cao, lịch sự, mà nhìn nhau ăn cũng hả dạ hoặc rủ nhau mua ít thứ, tìm đến nơi gió mát trăng thanh mà trải bạt ra làm tiệc nho nhỏ với nửa của mình, có thể ở trên cầu Thủ Thiêm chẳng hạn, còn gì bằng vừa ăn, vừa tâm sự với người cùng hòa điệu yêu đương. Lại có bạn hơi chút cầu kì, trước đó đã để ý đến một quán ăn ngon được nhiều người giới thiệu mà giá cả trong tầm tay sinh viên, quán thường chuyên một món, đợi đầu tháng có tiền rồi là vù ra đó, vừa kiểm chứng được lời bạn vừa hỉ hả tấm lòng vì cũng được chút tiếng sành ăn. Riêng tui, một ngày đầu tháng không gì bằng làm chầu bit-tết, tất nhiên là bit tết ở ngõ hẻm bách khoa chứ không phải Hỏa Diệm Sơn hay bánh mì tươi Võ Văn Tần đâu, có hai trứng ốp-la, thêm lát pa-tê kèm hai ổ bánh mì nóng dòn rồi thong dong đi bộ một quãng cho dạ dày tiêu đi phần nào, đến tiệm đầu ngõ nhâm nhi thêm ly sinh tố mãn cầu mát lạnh cùng thằng bạn thân. Mặc kệ bạn cười tui, ăn gì mà ham quá – đã nói nhẹ đi, tui vẫn vỗ bụng mà ợ lên một tiếng sung sướng làm sao!

Bạn hãy nhớ xem, những ngày cuối tháng, nằm vắt vẻo trong phòng trọ, nhìn những gói mì lăn lông lốc ngán tận cổ, mà tưởng tượng đến bữa ăn sang- bình dân sắp thành hiện thực sẽ tạo nên niềm hứng khởi khó tả giúp vượt qua cơn đói dày vò. Con người khi sống trong sự tính toán chi tiêu thường không được thoải mái tinh thần, buổi ăn sang- đầu tháng như một sự lạc quan, phóng khoáng của đời sinh viên, giải tỏa được áp lực căng thẳng trong cuộc sống xa nhà. Có thể sau này tui sẽ được nhiều cơ hội thưởng thức những món ăn ngon lành mà sang trọng được bày biện theo trường phái ẩm thực nào đó nhưng tui sẽ không bào giờ quên được cảm giác sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn sang bình dân đầu tháng.

Bạn lãnh tiền chưa? Đi ăn cùng tui nha!

Khắc Huy

Sunday 20 December 2009

Ăn Ngon


Thi sĩ Tản Đà phát biểu rằng: “Đồ ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon/ người ngồi ăn không ngon/ không ngon! Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon/ người ngồi ăn không ngon/ không ngon! Đồ ăn ngon/ người ngồi ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon/ không ngon!…”


Lại nữa, theo Vũ Bằng món phở ngon phải hội đủ “một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biếc; mấy lát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng và đỏ màu hoa thiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu…trên tất cả những thứ đó, người bán hàng thái thịt bò từng miếng bày lên…chỉ còn phải lấy nước dùng và rắc một ít hạt tiêu, hay vắt mấy giọt chanh (nếu không là tý dấm)…” Việc ăn quả thực cầu kì trong mắt người xưa. Saigon hôm nay
cũng không ít người sành điệu, chỉ một cú nhấp con “mao” ta đã biết ăn vằn thánh phải đến Hà Tôn Quyền, nhấm nháp bột chiên phải ra Võ Văn Tần. Rồi thì cả một thế giới quán xá trong hun húc những con hẻm sài thành sẽ hiện ra sau cú gõ google kèm theo lời chỉ dẫn tận tình của những netizen sinh viên cũng eo hẹp hầu bao như tui vậy.

Ăn, với tui trước hết là một lạc thú. Thử tưởng tượng, trong cái nóng bức của trưa phương nam, bụng đói cồn cào, ta ngồi xì xụp húp tô canh chua me dầm, có màu đỏ của cà, màu vàng của khóm, màu xanh của bạc hà, rau thơm, màu trắng của giá thêm chút nâu giòn của tỏi phi, chút cay của ớt xắt, nhẹ nhàng đưa đôi đũa dẻ lấy khứa cá lóc trắng phau (đương nhiên là mỏng lét), chấm vào dĩa nước mắm đậm đà rồi nhấm nháp, và cơm, thêm một ngụm canh nữa. Chao ôi mát cả lòng, thỏa cả dạ. Các bạn sẽ cười tui, nghèo mà còn ham phức tạp, xin thưa rằng không đâu ạ, tui nào có cầu kì, canh chua thì ở đâu chẳng bán nhưng quan trọng khi ăn nên để ý một chút, hãy nhấm nháp để tìm ra cái thú vị của từng cọng rau, cái màu sắc của từng loại nguyên liệu. Chỉ mất vài phút thôi bạn à nhưng nó sẽ làm cho bữa ăn cá thì ít mà canh thì nhiều của chúng ta trở nên hấp dẫn.

Trời vừa xẩm tối, tui móc điện thoại ra nhắn tin cho thằng bạn thân, “ Qua tao đi ăn nha mậy”. Bạn đừng lầm tưởng rằng hôm nay là đầu tháng, chơi sang dẫn bạn đi ăn kẻo mà lầm đấy! Chỉ là mời nhau kiểu Mỹ, ta đi ăn chung nhưng của anh, anh trả, của tui, tui trả, và ví ai người đó rút. Thế là thành “một đôi” đi ngồi tiệm, nói tiệm cho sang thế thôi thực ra cũng chỉ là dăm cái bàn, vài cái ghế được che chắn bên hàng hiên con hẻm, đơn giản mà vui vì ta có bạn ngồi cùng. Ăn ngon là phải được nói, ăn là nạp vào, nói là xả ra, như vậy mới cân bằng được. Chuyện trường, chuyện lớp, chuyện tình yêu, chuyện gẫu hứng cứ thế tuôn ra trên chiếc bàn nhỏ với những món ăn bình dị trong không gian ồn ã thanh âm cuộc sống. Một cơn gió thoảng qua xoa dịu đi chút mồ hôi lấm tấm đọng lại sau tiếng hít hà no nê của đôi bạn hàng quán. Hãy cảm nhận đi, cuộc sống thi vị lắm đấy!

Ăn ngon với tui không có nghĩa là phải đi đúng quán, ăn đúng món trong một không khí lịch sự sang trọng. Ăn ngon chỉ đơn giản là được ăn khi đói, không phải ăn một mình và ăn phải thật thoải mái. Ông bà ta có câu khi đói thì ăn cái gì cũng ngon, đời nay vẫn đúng, khi đói cái bao tử của chúng ta làm kích thích sự “thèm”, có “thèm” thì mới có hứng ăn. Chỉ ăn khi đói làm thỏa mãn một nhu cầu, thỏa mãn cho bản thân sau những giờ mệt nhọc, chỉ ăn khi đói còn làm giảm cho ta nguy cơ béo phì quá cỡ vì hay ăn vặt, ăn vô tội vạ. Được ăn và được nói chuyện với người hợp ý mình làm tăng hưng phấn cho bữa ăn, dù thức ăn chỉ bình dân, đơn giản nhưng cảm giác ngon miệng tăng lên rất nhiều so với khi ta chỉ ngồi một mình trước món ngon vật lạ. Bởi khi ấy, “ợ” lên một tiếng phải cố nén lại, hít hà một hơi không ai cười cùng, chán lắm thay! Và ăn ở một khoảng không gian khoảng khoát khí trời, không quá ồn ào, không mùi máy lạnh, tự do hít thở căng đầy oxi của không khí, ăn mà không bị ép, ăn mà không gò bó đó chính là ăn thoải mái. Xì xụp, rột rột, xuýt xoa, tất cả những thanh âm ấy trong một hàng quán bình dân thật gần gũi mà giản dị, nó hơn cả tiếng nhạc từ dàn âm thanh hiện đại trong một phòng ăn bóng loáng, nó đơn giản là một thứ gia vị của cuộc sống nên nếm thêm cho lành, cho ngọt cái đơn sơ của bữa ăn sinh viên thường ngày.
Ăn cho ngon đâu quá phức tạp phải không?

Khắc Huy

Chuyện ăn


Lời tâm sự: Tui sinh ra và lớn lên trong thời kì mà các cô, chú, bác, dì cậu gọi là đổi mới. Tui năm nay 23 tuổi, đang học đại học tại TPHCM. Tui xưng tui bởi tui là dân Nam bộ. Với một người Nam Bộ, chữ “tui” không chỉ là đại từ xưng hô khẳng định chính mình mà còn mang một sắc thái biểu cảm sự thân mật trong giao tiếp. Tui, chỉ là một thanh niên mới lớn, trong một xã hội mới, một con người nhỏ bé, đơn lẻ trong cộng đồng người Việt. … Con người, nhất là những người mới trưởng thành như tui thì thường hay suy nghĩ, có thể đó là những trăn trở về cuộc sống, về tương lai của chình mình hay nhiều khi chỉ là sự mông lung của tâm tưởng khi để nó lãng đãng trôi đi không kiếm soát. Tui viết những dòng này không phải để chứng tỏ một điều gì, không phải để trở thành một nhà phê phán, phản biện gì gì đó. Với tui, viết là để giải tỏa, để chia sẻ, để biết là mình không thờ ơ, không lãnh đạm với cuộc sống này. Tui đặt cho những bài viết theo phong cách này là "1001 chuyện ... tào lao". Mời bạn cùng chia sẻ...


Có một bạn gái “hiện đại” hỏi tui nấu ăn có khó hay không? Xin thưa là nấu ăn không khó nhưng ăn được mới là chuyện khó.

Ăn cái gì bây giờ?

Tui không giấu giếm, một trong những lý do tui dọn đến chỗ trọ hiện nay là vì nơi này có nhiều đồ ăn ngon mà… rẻ. Sáng bước chân khỏi nhà, bà bán xôi liền nhắc hôm nay có ăn không? Đi mua bánh mì, ông bánh mì hỏi sao không ăn bánh bao. Trưa thì ôi thôi, cơm nhiều món nhìn đâu cũng muốn nếm. Và đến tối thực sự bối rối vì không biết phài làm khách của quán nào. Nói “đại gia” thế cho vui chứ sinh viên như tui phải tính toán kĩ càng nên ăn cái gì hằng ngày để cuối tháng không phải dùng nước mắm (pha nước mắt) dầm cơm!

Dạo quanh Saigon một chút, ta dễ dàng nhận ra Saigon đang bùng nổ những quán ăn, sang trọng có, bình dân phần nhiều. Dân số cứ “phình” lên nên cái ăn trở thành một nhu cầu lớn cần được đáp ứng. Tui có cảm giác càng lúc càng đông sinh viên lên thành phố trọ học nên đi đâu cũng thấy nhiều dịch vụ gắn thêm mác sinh viên phía sau: phòng trọ sinh viên, cơm sinh viên, sinh tố sinh viên, cà phê sinh viên và vá xe cũng sinh viên. Sinh viên dần dà đã trở thành đối tượng phục vụ chính.

Tui hãy ăn quen quán nào thì chỉ ăn quen quán đó, ít khi thay đổi, bởi quán quen thì mình sẽ được ưu tiên nhiều cơm, nhiều đồ ăn hơn. Riêng tui, khi đến một quán cơm thân thiết gần chỗ trọ thì tráng miệng được tặng thêm một quả chuối. Sinh viên sống kham khổ, ăn uống qua loa ít chất xơ thì thêm một quả chuối nữa sẽ khiến cái trực tràng mừng lắm lắm! Bởi thế tui nghĩ các bạn nào mới lên Saigon nên hỏi những đàn anh đi trước xem quán cơm bình dân nào sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rồi hãy đóng đại bản doanh ở đó, sau đó mới tính tiếp chuyện hôm nào “chán cơm thèm phở” vậy.

Tạm ổn chuyện ăn cơm, ta bàn sang chuyện “ăn phở, ăn nem”. Saigon ngoài cơm ra thì món ăn ba miền thật phong phú, bởi đơn giản đây là nơi giao thoa của nhiều nguồn văn hóa. Điều này cũng khiến cho bữa ăn chính của sinh viên thêm đa dạng, bây giờ sinh viên không phải chỉ ăn đề no mà còn vô số sự lựa chọn cho mình. Trong nhiều khu trọ sinh viên, các quán phở, hủ tíu, bún bò huế cũng gia tăng số lượng theo tỉ lệ phần trăm dân số sinh viên khu đó. Tất cả đều chung một giá và hiện thời đều có mặt bằng 12000- 14000 đ 1 tô. Sinh viên đại gia ăn phở 24, hủ tíu Liến Húa, bún bò Thành nội, sinh viên bình dân ta cũng ăn phở cô ba, hủ tíu bà tư và bún bò chú mập. Cũng bột gạo, tái gân, nạm mỡ như ai lại được cái thoải mái trò chuyện trong cơn gió mát thổi ngang vệ đường. Có một điều lạ tui thường thấy là ăn ở quán sang trọng người ta cũng thường cố tỏ ra sang trọng và nghiêm túc như cho hợp với không khí ở đó, tui mà cứ căng cứng ( không phải cương) như thế thì ăn mà không biết mình đang ăn gì. Trở lại với các món mặn có nước bình dân, nếu một ngày nào đó bạn muốn thay đổi khẩu vị thì tui chỉ cho bạn một mẹo. Trước hết hãy ghé lò bánh mì gần nhất mua bánh mì không nóng giòn, rồi kêu một tô soup tái gân, lấy nước bún bò, nặn vào hai lát chanh, thêm muỗng ớt sate, vài khoanh ớt tươi, lặt thêm ít rau thơm, kinh giới rồi thủng thẳng bẻ từng miếng bánh mì giòn rụm chấm vào mà thưởng thức. Ôi cái chua, giòn, cay, mặn ngọt hòa quyện vào nhau thiệt là đã làm sao. Trong âm nhạc, ta có bài "remix", trong món ăn ta cũng "remix" món ăn vậy.

Thật là thiếu sót nếu tui đây không ráng mấy dòng về ăn vặt. Sinh viên không ăn hàng không phải sinh viên. Được một điều, hàng rong Saigon đủ vị mà giá lại khá phải chăng, Khu tui ở là phường nhỏ của quận 10 nhưng đếm cho kĩ cũng thấy gần hai chục người hàng xén bán đa số là bánh, nào là bánh bò, bánh tiêu, bánh chưng, bánh giò, có cả bò bía, gỏi cuốn rồi đủ các loại chè, à và còn một món không thể thiếu: bánh tráng trộn khô bò. Rẻ lắm, chỉ độ 2-5 ngàn đồng là bạn có thể làm mất đi cái lợt lạt của lưỡi, của họng trong những trưa nắng nóng oi nồng. Riêng tui, còn gì bằng khi buổi trưa làm bữa cơm bình dân no nê xong lại nhấm nháp bịch chè bắp ướp lạnh có phủ lên lớp nước cốt dừa béo ngậy? Có cả đậu xanh, sương sáo cho bạn nữa đấy. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra xe chè từ xa với bà bán đội nón lá, mặc áo tay dài, nói giọng miền ngoài đứng bên chiếc xe đẩy tay hai bánh lớn, hai bánh nhỏ chia hai ngăn, ngăn trên là những nồi, thau đủ loại chè, ngăn dưới là thau nước rửa ly kề bên thùng đá bào nhỏ, lỉnh kỉnh ly chén. Xe chè nào cũng có dù nhỏ và dăm ba ghế nhựa cho khách bộ hành tạt vào thưởng thức. Riêng bà bán chè trước của nhà trọ của tui bật mí rằng một ngày bán hơn ba trăm ly, 1 ly vị chi 3 ngàn đồng, trừ phi phí cũng lời khoảng ba trăm đến bốn trăm ngàn. Than ôi, bàn chè còn hơn cả lương cứng của bác sĩ sáu năm đèn sách ! Thất nghiệp, tui đi bán chè, các bạn nhớ ủng hộ quán chè "Y khoa" của tui nha!

Cuối cùng ta làm một con tính, sinh viên bình dân ăn một ngày 3-5 ngàn tiền sáng, 16-24 ngàn cho bữa trưa và tối (tùy khu vực nội hay ngoại thành) kèm thêm 3 ngàn ăn vặt, vị chi khoảng 20- 30 ngàn một ngày là đủ chất lượng để học tập. Nếu túng quẫn quá bạn có thể gộp hai bữa ăn làm một cho đỡ chi phí mà vẫn đủ dinh dưỡng khi biết cách ăn. Làm sinh viên cũng phong lưu lắm thay!

Khắc Huy

Tuesday 15 December 2009

Cara menggunakan Clonezilla untuk backup dan restore

Install Clonezilla Server Edition (saya gunakan Ubuntu 8.04 LTS)

1. wget -q http://drbl.sourceforge.net/GPG-KEY-DRBL -O- | sudo apt-key add -

2. echo "deb http://drbl.sourceforge.net/drbl-core drbl...



[[ This is a content summary only. Visit my website for full links, other content, and more! ]]



Wednesday 2 December 2009