Sunday 20 December 2009

Chuyện ăn


Lời tâm sự: Tui sinh ra và lớn lên trong thời kì mà các cô, chú, bác, dì cậu gọi là đổi mới. Tui năm nay 23 tuổi, đang học đại học tại TPHCM. Tui xưng tui bởi tui là dân Nam bộ. Với một người Nam Bộ, chữ “tui” không chỉ là đại từ xưng hô khẳng định chính mình mà còn mang một sắc thái biểu cảm sự thân mật trong giao tiếp. Tui, chỉ là một thanh niên mới lớn, trong một xã hội mới, một con người nhỏ bé, đơn lẻ trong cộng đồng người Việt. … Con người, nhất là những người mới trưởng thành như tui thì thường hay suy nghĩ, có thể đó là những trăn trở về cuộc sống, về tương lai của chình mình hay nhiều khi chỉ là sự mông lung của tâm tưởng khi để nó lãng đãng trôi đi không kiếm soát. Tui viết những dòng này không phải để chứng tỏ một điều gì, không phải để trở thành một nhà phê phán, phản biện gì gì đó. Với tui, viết là để giải tỏa, để chia sẻ, để biết là mình không thờ ơ, không lãnh đạm với cuộc sống này. Tui đặt cho những bài viết theo phong cách này là "1001 chuyện ... tào lao". Mời bạn cùng chia sẻ...


Có một bạn gái “hiện đại” hỏi tui nấu ăn có khó hay không? Xin thưa là nấu ăn không khó nhưng ăn được mới là chuyện khó.

Ăn cái gì bây giờ?

Tui không giấu giếm, một trong những lý do tui dọn đến chỗ trọ hiện nay là vì nơi này có nhiều đồ ăn ngon mà… rẻ. Sáng bước chân khỏi nhà, bà bán xôi liền nhắc hôm nay có ăn không? Đi mua bánh mì, ông bánh mì hỏi sao không ăn bánh bao. Trưa thì ôi thôi, cơm nhiều món nhìn đâu cũng muốn nếm. Và đến tối thực sự bối rối vì không biết phài làm khách của quán nào. Nói “đại gia” thế cho vui chứ sinh viên như tui phải tính toán kĩ càng nên ăn cái gì hằng ngày để cuối tháng không phải dùng nước mắm (pha nước mắt) dầm cơm!

Dạo quanh Saigon một chút, ta dễ dàng nhận ra Saigon đang bùng nổ những quán ăn, sang trọng có, bình dân phần nhiều. Dân số cứ “phình” lên nên cái ăn trở thành một nhu cầu lớn cần được đáp ứng. Tui có cảm giác càng lúc càng đông sinh viên lên thành phố trọ học nên đi đâu cũng thấy nhiều dịch vụ gắn thêm mác sinh viên phía sau: phòng trọ sinh viên, cơm sinh viên, sinh tố sinh viên, cà phê sinh viên và vá xe cũng sinh viên. Sinh viên dần dà đã trở thành đối tượng phục vụ chính.

Tui hãy ăn quen quán nào thì chỉ ăn quen quán đó, ít khi thay đổi, bởi quán quen thì mình sẽ được ưu tiên nhiều cơm, nhiều đồ ăn hơn. Riêng tui, khi đến một quán cơm thân thiết gần chỗ trọ thì tráng miệng được tặng thêm một quả chuối. Sinh viên sống kham khổ, ăn uống qua loa ít chất xơ thì thêm một quả chuối nữa sẽ khiến cái trực tràng mừng lắm lắm! Bởi thế tui nghĩ các bạn nào mới lên Saigon nên hỏi những đàn anh đi trước xem quán cơm bình dân nào sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rồi hãy đóng đại bản doanh ở đó, sau đó mới tính tiếp chuyện hôm nào “chán cơm thèm phở” vậy.

Tạm ổn chuyện ăn cơm, ta bàn sang chuyện “ăn phở, ăn nem”. Saigon ngoài cơm ra thì món ăn ba miền thật phong phú, bởi đơn giản đây là nơi giao thoa của nhiều nguồn văn hóa. Điều này cũng khiến cho bữa ăn chính của sinh viên thêm đa dạng, bây giờ sinh viên không phải chỉ ăn đề no mà còn vô số sự lựa chọn cho mình. Trong nhiều khu trọ sinh viên, các quán phở, hủ tíu, bún bò huế cũng gia tăng số lượng theo tỉ lệ phần trăm dân số sinh viên khu đó. Tất cả đều chung một giá và hiện thời đều có mặt bằng 12000- 14000 đ 1 tô. Sinh viên đại gia ăn phở 24, hủ tíu Liến Húa, bún bò Thành nội, sinh viên bình dân ta cũng ăn phở cô ba, hủ tíu bà tư và bún bò chú mập. Cũng bột gạo, tái gân, nạm mỡ như ai lại được cái thoải mái trò chuyện trong cơn gió mát thổi ngang vệ đường. Có một điều lạ tui thường thấy là ăn ở quán sang trọng người ta cũng thường cố tỏ ra sang trọng và nghiêm túc như cho hợp với không khí ở đó, tui mà cứ căng cứng ( không phải cương) như thế thì ăn mà không biết mình đang ăn gì. Trở lại với các món mặn có nước bình dân, nếu một ngày nào đó bạn muốn thay đổi khẩu vị thì tui chỉ cho bạn một mẹo. Trước hết hãy ghé lò bánh mì gần nhất mua bánh mì không nóng giòn, rồi kêu một tô soup tái gân, lấy nước bún bò, nặn vào hai lát chanh, thêm muỗng ớt sate, vài khoanh ớt tươi, lặt thêm ít rau thơm, kinh giới rồi thủng thẳng bẻ từng miếng bánh mì giòn rụm chấm vào mà thưởng thức. Ôi cái chua, giòn, cay, mặn ngọt hòa quyện vào nhau thiệt là đã làm sao. Trong âm nhạc, ta có bài "remix", trong món ăn ta cũng "remix" món ăn vậy.

Thật là thiếu sót nếu tui đây không ráng mấy dòng về ăn vặt. Sinh viên không ăn hàng không phải sinh viên. Được một điều, hàng rong Saigon đủ vị mà giá lại khá phải chăng, Khu tui ở là phường nhỏ của quận 10 nhưng đếm cho kĩ cũng thấy gần hai chục người hàng xén bán đa số là bánh, nào là bánh bò, bánh tiêu, bánh chưng, bánh giò, có cả bò bía, gỏi cuốn rồi đủ các loại chè, à và còn một món không thể thiếu: bánh tráng trộn khô bò. Rẻ lắm, chỉ độ 2-5 ngàn đồng là bạn có thể làm mất đi cái lợt lạt của lưỡi, của họng trong những trưa nắng nóng oi nồng. Riêng tui, còn gì bằng khi buổi trưa làm bữa cơm bình dân no nê xong lại nhấm nháp bịch chè bắp ướp lạnh có phủ lên lớp nước cốt dừa béo ngậy? Có cả đậu xanh, sương sáo cho bạn nữa đấy. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra xe chè từ xa với bà bán đội nón lá, mặc áo tay dài, nói giọng miền ngoài đứng bên chiếc xe đẩy tay hai bánh lớn, hai bánh nhỏ chia hai ngăn, ngăn trên là những nồi, thau đủ loại chè, ngăn dưới là thau nước rửa ly kề bên thùng đá bào nhỏ, lỉnh kỉnh ly chén. Xe chè nào cũng có dù nhỏ và dăm ba ghế nhựa cho khách bộ hành tạt vào thưởng thức. Riêng bà bán chè trước của nhà trọ của tui bật mí rằng một ngày bán hơn ba trăm ly, 1 ly vị chi 3 ngàn đồng, trừ phi phí cũng lời khoảng ba trăm đến bốn trăm ngàn. Than ôi, bàn chè còn hơn cả lương cứng của bác sĩ sáu năm đèn sách ! Thất nghiệp, tui đi bán chè, các bạn nhớ ủng hộ quán chè "Y khoa" của tui nha!

Cuối cùng ta làm một con tính, sinh viên bình dân ăn một ngày 3-5 ngàn tiền sáng, 16-24 ngàn cho bữa trưa và tối (tùy khu vực nội hay ngoại thành) kèm thêm 3 ngàn ăn vặt, vị chi khoảng 20- 30 ngàn một ngày là đủ chất lượng để học tập. Nếu túng quẫn quá bạn có thể gộp hai bữa ăn làm một cho đỡ chi phí mà vẫn đủ dinh dưỡng khi biết cách ăn. Làm sinh viên cũng phong lưu lắm thay!

Khắc Huy

No comments:

Post a Comment