Tuesday 23 June 2009

"Ngày xưa Hoàng thị" (*)




Tháng tư về, Sài Gòn vẫn oi ả, khó chịu với cái nắng đỏng đảnh của một mùa khô dăng dẳng, bỏng rát. Tháng tư về, bất chợt nhận ra hè đã dần ngụ dưới tán lá vòm cây. Tháng tư về chợt nhớ những hàng me rộn ràng ve hát để rồi khi cơn mưa chợt đến, rải lá dào dạt cho vương tóc ai... Tháng tư về, chợt nhớ lại bao kỉ niệm của thời học trò... Hình như, có tà áo trắng còn bay trong xao xuyến bâng khuâng...

"Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ...
... Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay..."
Lời hát rằng có một gã thi sĩ đa tình, dõi theo bóng nguời con gái "... dịu dàng, bờ vai em nhỏ...", tên của người con gái đó không kiêu sa mỹ miều mà chân chất, dịu dàng: Hoàng Thị Ngọ. Và rồi "chim non lề đường, nằm im giấu mỏ" để cho "...anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê..."

"...Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề
Lòng anh nức nở
Mai vào lớp học
Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ..."
Trong một ngày lất phất mưa bay, "anh"- kẻ si tình vội trao "em" chùm hoa vàng mới nở như một vật làm tin với lời nhắn nhủ thật dễ thương của tuổi học trò "Muôn thuở còn thương còn thương". Đắm trong điệu nhạc, bất chợt ta như tiếc nuối sự lãng mạn dịu dàng của một thời mơ mộng đã rớt lại sau lưng khi ta mãi miết đi tìm cái mà nhân gian gọi là "hạnh phúc vẹn toàn"... Bỗng giật mình ta hoá lại thơ ngây...

"... Anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười
Man man sầu đời tình ơi

Bao nhiêu là ngày
Theo nhau đường dài
Trưa trưa chiều chiều
Thu đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì
Chia tay phượng nở sang hè..."

Có lẽ, cuộc tình thật đẹp kia ta nên để một dấu "..." cho một cái kết...



Qui luật vẫn là qui luật, ai cũng phải tuân theo, rồi những mùa hoa phượng sẽ trôi xa mãi mãi, chiếc áo dài chỉ còn là nụ cười xốn xang khi kí ức hiện về. "Rồi ngày qua đi qua đi qua đi" nghe da diết khôn nguôi. Môt ngày nọ, "gã" ngày xưa trở về, lẻ loi bước trên cung đường cũ:

"...Như phai nhạt mờ
Đường xanh nho nhỏ
...Hôm nay tình cờ
Đi lại đường xưa đường xưa..."
cảnh cũ vẫn còn nhưng "phai nhạt nhoà", tất cả chỉ còn là âm vang, chỉ còn là nỗi nhớ, và sẹo lòng như nhuốm máu trở lại.

"...Cây xưa còn gầy
Nằm quay ván đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mây màu
Âm vang thuở nào
Bước nhỏ tìm nhau tìm nhau..."
"Cây xưa còn gầy"... "cây cao hàng gầy"... lời hát lặp đi lặp lại như sự nuối tiếc cho mối tình thơ vừa chớm đã vội xa xôi... Quá khứ hiện tại như xoá nhoà, đan xen hình ảnh cứ mơ hồ giữa xưa và nay tạo một cảm giác chếnh choáng, chông chênh trong sự thăng trầm của cảm xúc. "Anh" chỉ còn biết than rằng "Nay trên đường này, đời như sóng nổi, xóa bỏ vết người..."

"...xưa theo Ngọ về
Mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này
Cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi
Ai mang bụi đỏ đi rồi
Ai mang bụi đỏ đi rồi"
Bài nhạc kết thúc bằng một chuỗi những câu hỏi dường như không có lời đáp, hay có lẽ người hỏi đã có câu trả lời. "Ai mang bụi đỏ đi rồi" hay ai mang em của tôi đi ... để cho gã si tình lặng lẽ ướm lên dấu chân của ngày ấy mà hoài niệm về chốn xa xôi ?...

Bản nhạc này tôi nghe đã lâu, ngày trước qua hai giọng ca Thái Thanh và Duy Quang, tuy Thái Thanh quá điêu luyện và tuyệt vời trong phần thể hiện nhưng tôi vẫn thích Duy Quang hơn cả, bởi bản nhạc là lời tâm tình của "gã" si tình nên hợp với giọng nam hơn. Về lời của bài nhạc, báo chí đã nhắc đến nhiều nên ở đây không cần phải bàn thêm nữa, tôi cũng có dịp lên quán cà phê Hoa Vàng, trò chuyện cùng với nhà thơ Phạm Thiên Thư, tác giả của vầng thơ mượt mà này, ông cũng khắng định lại những gì đã chia sẻ...

Lại một thêm mùa hạ nữa ta phải xa chiếc áo trắng học trò, ta chợt thèm cái cảm xúc thanh khiết mà nhẹ nhàng của tuổi tím. Một lời nhạc vút bay cho ta giật mình quay về với hoa phượng, quay về với trường xưa, quay về với tà áo "vờn bay"... Áo kia đã bay xa rồi...
Khắc Huy.

--------------
(*)Nhạc: Pham Duy. Thơ: Phạm Thiên Thư.



No comments:

Post a Comment