Saturday 7 January 2012

Những cuộc đuổi bắt nghiệt ngã của tạo hoá



Đứa bạn mình mê mẩn anh A, anh A thì si luỵ chị B, chị B lại say đắm anh C. Câu hỏi đặt ra: vậy có khi nào anh C sau này lại chết mê mệt bạn mình không ? Trong lúc suy nghĩ để tìm ra câu trả lời cho cái vòng lẩn quẩn này thì mình lại phát hiện một thứ khác thú vị hơn.

Đồng tiền chỉ là cơ chế giúp con người có động lực để lao động. Nếu bây giờ cả thế giới chuyển sang chế độ nền kinh tế hàng hoá thì lúc này dù nó có là một tờ giấy lộn hoặc một tờ polyme trơn láng đi nữa thì cũng chả ai thèm đếm xỉa, và có chứa những tờ tiền vô nghĩa này cũng chỉ tổ chật nhà. Tương tự như vậy, những cuộc đuổi bắt này là cách mà thế giới vận hành dưới sự kiểm soát của những quyền lực tối cao hơn như "Duyên - Nợ" , "Nhân - Quả" và quy luật "Cho - Nhận". Nó giúp con người ta có động cơ để tin và sống. Thử nghĩ có ngày nào mà bạn lại không đuổi bắt một cái gì đó hông?  Rượt theo xe buýt ? Chạy theo deadline ? Ăn sáng như ma đuổi để không bị trễ giờ học ? hay một cách xa xôi hơn chạy theo những ước mơ, hoài bão của bạn? Có hông ? Có ! Có ! Có ! Có !
Ai cũng phải công nhận, cũng nhờ có những cuộc đuổi bắt này mà thế giới ngày một phát triển, theo hướng nào thì không ai biết và cũng tuỳ cảm nhận của mỗi người.
Độ dài của những cuộc rượt bắt này tuỳ thuộc phần nhiều vào sức chịu đựng và cái tôi của người trong cuộc. Nhiều khi đã chạy kịp sát đến kẻ đằng trước, tưởng chừng một cái chạm tay là chinh phục được, vậy mà cái chạm tay đó lại cứ như xa hoài xa mãi. Khi phải đi 10 bước để đến với một người, thì 9 bước mới là nửa đoạn đường. Lúc này thì muốn bỏ cuộc lắm, những nghĩ lại chặng đường đã đi, ai mà không tiếc nuối, cái tôi to lớn lại càng không cho phép bạn từ bỏ. Vậy nên Dan Brown đã tinh tế gói ghém tất cả các điều này trong câu "Nothing captures human interest more than human tragedy". Biết là đâm đầu vô thì khổ những không đâm vào thì lại lỗ. Người ta thường không thích lỗ nên thà chịu khổ còn hơn là lỗ.

Vậy những người đã yên phận, settle down hết rồi là những người đã đuổi bắt thành công? Không hẳn. Trong những cuộc chạy đua đường trường thế này, giữa đường thấy mệt là chuyện đương nhiên, nhất là phụ nữ, khi họ phải vừa mang guốc vừa chạy (đàn ông thì thường mang dép lào nên chạy rất hăng !). Thế là những người phụ nữ sẽ dừng bên vệ đường ngồi nghỉ mệt và ăn xoài, buông tha người đằng trước. Và như vậy, chỉ cần người đằng sau xuất hiện đúng lúc và ở đúng nơi (cũng không cần đúng người) là người phụ nữ sẽ chọn người ấy. Sau này có hạnh phúc không thì chỉ có người trong cuộc mới biết.

Nghề và nghiệp cũng vậy. Nghề là một công việc mà người ta sành sỏi, chuyên môn và đủ mang lại ngày 3 bữa cho miệng mình và miệng của người khác. Nghiệp là cái mà bạn muốn sẽ gắn bó suốt đời, là tiếng gọi của con tim, mang lại cái đam mê cháy bỏng mà Nghề sẽ không làm được. Thường thì sẽ không dễ dàng gì để Nghề, Nghiệp và bạn cùng nắm tay dung dăng dung dẻ trên một con đường mà cả 3 sẽ lại rượt bắt nhau, tất nhiên bạn sẽ đuổi theo cái Nghiệp, và Nghề thì đuổi theo bạn nhắc nhở bạn về miếng cơm manh áo. Chặng đường đến với Nghiệp sẽ đòi hỏi không ít đánh đổi, không ít thất bại, không ít nước mắt nhưng nhờ vậy con tim sẽ được mài giũa trong những khát khao để càng quyết tâm hơn, đến lúc này thì 99,999% là bạn đã đi được 9.5 bước để đến với bạn Nghiệp rồi đó.

Vậy đó, cuộc sống có những kẻ thắng cuộc, những kẻ giả vờ mình thắng cuộc để có được peace of mind, và những kẻ thua cuộc luôn dày vò bản thân đến hết đời
Quyền lựa chọn là ai trong những cái tên trên đó đều là ở sự quyết định của bạn.
Chúc bạn may mắn trong cuộc đuổi bắt đầy nghiệt ngã này, có mệt thì dừng chân một tí để vừa ăn xoài vừa xem hình ở đây nhé http://www.flickr.com/photos/lyngphan/


No comments:

Post a Comment