Vậy là người nhạc sĩ của “Nỗi buồn hoa phượng” - Thanh Sơn - đã ra đi khi chớm hạ. “Tiếng ve nức nở” và phượng thắm màu thương nhớ, đưa tiễn con người tài hoa ấy về cõi vĩnh hằng.
Đã gần 40 mùa hạ trôi qua, kể từ khi được giọng hát như “con ve khóc hờn” Thanh Tuyền trình bày lần đầu, “Nỗi buồn hoa phượng” đã làm thổn thức bao thế hệ học trò.
Nhẹ nhàng mà sâu lắng, không sang trọng mà gần gũi, bình dân, bài ca đi vào lòng thính giả bởi đã nói lên được nỗi buồn man mác nhưng trong sáng, dịu ngọt của tâm tư tình cảm lứa tuổi cắp sách đến trường.
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn / Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương / Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi / Phút gần gũi nhau mất rồi / Tạ từ là hết người ơi!”.
Nghe lại những ca từ chân chất của người nhạc sĩ Nam bộ, ta nhận ra mình đã vô tâm bỏ quên mùa hạ cùng ký ức học trò trên đường loanh quanh lặn lội. Phượng đang đỏ rực ngoài kia, ve đang rộn rã gọi hè, cơn gió mát chiều hạ cùng giọng hát Thanh Tuyền ru êm. Những rộn ràng và khắc khoải, những tươi tắn và héo mòn, hưng phấn và bâng khuâng kéo về những kỷ niệm và nỗi nhớ. Ta nhớ những giờ tan trường đôi bóng chung đường. Những phút ngây ngô bên vòng xe lãng mạn dưới mưa. Những bối rối, ngập ngừng khi chờ thư dưới ngăn bàn. Những buổi hẹn hò ấp úng nhưng đầy yêu thương giấu kín đàng sau mắt biếc.
“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng / Biết ai còn nhớ đến ân tình không / Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu / Những chiều hẹn nhau lúc đầu / Giờ như nước trôi qua cầu / Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi / Kỷ niệm mình xin nhớ mãi / Buồn riêng một mình ai / Chờ mong từng đêm gối chiếc / Mối u hoài này ai có hay?” Ta đứng lặng đếm từng cánh phượng rơi, phượng có vô tình theo cơn gió chiều vội vã? Để rồi khi mở lòng bàn tay ra cánh phượng đã bay theo gió mênh mông, chỉ còn hư không ngày cũ. Ta chao chao vỡ oà trong khoảng không lắng đọng. Những phút gần gũi nhau, những ảo mộng, những hoài vọng đã bay theo cánh phượng mồ côi. Ta hoài nghi nhưng rồi tắt lặng giữa thinh không, để chiều cứ buông dần và lảo đảo, nhìn về phía xa nghe trĩu nặng buồn thương. Người xưa biết đâu mà tìm.
“Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn / Cảm thông được nỗi vắng xa người thương / Màu hoa phượng thắm như máu con tim / Mỗi lần hè thêm kỷ niệm / Người xưa biết đâu mà tìm”.
Cuộc đời vẫn tiếp tực trôi đi, ân tình thời hoa bướm rồi sẽ nhạt nhòa theo thời gian, mỗi người sẽ về một nẻo trời xa, chỉ còn lại gốc phượng già nghiêng nghiêng tiếc nuối dõi theo mối tình học trò tươi tắn nhưng dở dang, không thành. Thanh âm nhẹ nhàng da diết mang điệu buồn khiến cho cảm xúc cứ mãi chòng chành theo từng nốt nhạc. Đã có người ví, nhạc Thanh Sơn như chiếc xuồng quê đưa biết bao tâm hồn trở về với ký ức tuổi học trò. Ông kể lại rằng “Năm 13 tuổi, học trường Hoàng Diệu - Sóc Trăng, tôi chung lớp và quen với một cô gái khá dễ thương, con của một gia đình công chức từ Sài Gòn, biệt phái về làm việc tại Sóc Trăng. Thời gian gần gũi hơn một năm, tình cảm bắt đầu thân thiết, bỗng hè năm sau đó, Hoa Phượng đột ngột báo cho biết là gia đình được điều chuyển về lại Sài Gòn, nên cô tìm gặp tôi để chào từ biệt. Trong lúc vừa bất ngờ vừa buồn rười rượi, tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc. Hoa Phượng cũng chỉ buồn bã nói trong nước mắt: “Tên em là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau. Bẵng đi thời gian khá lâu, một ngày hè năm 1963, bất chợt trông thấy những cành phượng đỏ thắm khi ngang qua một sân trường, tôi bỗng nhớ lại lời của “người xưa” lúc chia tay... Và, vào một đêm hè oi bức, lòng đầy hoài niệm, tôi đã viết “Nỗi buồn hoa phượng”.
Ngày 4/4 vừa qua những người yêu mến Thanh Sơn đã khóc thương khi hay tin ông ra đi vĩnh viễn. Dẫu ông không còn nữa nhưng nhạc phẩm “Nỗi buồn hoa phượng” vẫn sẽ mãi là lời ca bày tỏ tâm tư tình cảm của thế hệ học sinh hôm nay, và cho đến mãi mai sau. |
Phan Khắc Huy |
No comments:
Post a Comment