Bài viết này cũng là bài số 4 trong nhóm bài “Tùy bút… cà chớn”. Nhiều bạn miền ngoài thắc mắc “cà chớn” là cà gì? Tui đi hỏi nhiều người về cái nguyên gốc của từ này và nghe được lời giải thích có vẻ hợp lý lắm: “cà chớn” vốn tiếng Khmer, có nghĩa biếng nhác, lười, phát âm là k-chol qua tiếng Việt biến nghĩa thành ra không tin cậy được, nói một đàng làm một nẻo". Riêng tiến sĩ Việt Nam học người Đức Trịnh Công Long (Frank Gerke) nói rằng trong xoay vòng ly rượu đế giữa cuộc vui, thằng nào bỏ vòng là bị cả hội nhậu phán ngay “Cà chớn, mậy!” . Vậy thì tùy bạn hiểu như thế nào, riêng tui, “cà chớn” là bỡn cợt, bông đùa, ỡm ờ, lúc vầy, lúc khác. Được không ta?
Tui, tuy viết “xà lỉa” mua vui cho bà con nhưng tính tình cũng kỹ càng lắm đa. Trước khi đặt bút viết ra một từ gì đó “kì kì” đều cẩn thận tra “anh gúc” và từ điển tiếng Việt trực tuyến xem nó có nghĩa gì và còn nghĩa nào khác hay không. Riêng từ “nóc nách” này thì tra mãi không ra mà trong lòng tiếc nuối cuốn từ điển tiếng Việt “dày cui” ở quê không mang theo được trên đường trọ học. Thì thôi đành dùng cảm giác của riêng mình để giải thích, từ “nóc nách”đọc lên thấy cái sự đầy, đầy một cách thư giãn, một cách khoan khoái. Vietdict gợi ý tui xài “óc ách” nhưng đọc từ này nghe có vẻ... nặng bụng, khó tiêuquá xá . Rốt cuộc, tui chọn cái tựa đề như trên, để tạo ra sự mường tượng rằng có thằng tui, sau khi “cháp” no nê món ăn vỉa hè vác cái bụng lặc lè mà khoan khoái đi dạo phố vậy.
Mà hình như lan man mất rồi, thôi ta trở lại chuyện vỉa hè. Nếu như một nhà làm phim nào đó muốn quay tư liệu về ẩm thực Việt Nam, tui nghĩ rằng nên dành cho món ăn vỉa hè một trường đoạn. Cần tìm hiểu món ăn Việt, a lê, ta đi ngồi quán cóc! Quán vỉa hè ở khắp góc phố, khắp trong cùng ngõ hẻm, chỉ cần vài cái bàn con, thêm dăm chiếc ghế nhựa, kèm ít tô, chén, đũa bên nồi nước lèo thơm lừng là đã làm nên “thương hiệu”. Có những buổi chiều lạt miệng thằng tui lang thang Saigon phố, miệng lẩm bẩm một mình “cơm, phở, hủ tíu, hay bún bò?”, chớ vội bảo tui rủng rỉnh tiền mà nảy sinh cái ham muốn ve vuốt thần khẩu cho thỏa những ngày bụng xẹp. Không phải đâu, chỉ là chút ham muốn bình dân dành cho những món ăn dân dã nơi vỉa hè mà thôi. Kỳ thực, sẽ có lúc bạn giống tui, chạy lòng vòng mà chẳng biết ăn gì vì có quá nhiều thứ để ăn. Vỉa hè Việt Nam quả là mê cung ẩm thực.
Bạn tui, từ miền Bắc vào, phát biểu câu này mà tui thấy trúng quá, rằng hình như trong Nam hầu hết những người bán thức ăn vỉa hè bên thùng nước lèo đều “có da có thịt”(Ấy là tui đã nói tránh cái từ mà bây giờ con gái rất sợ). Nghe xong, tui thoảng chút hoài nghi rồi chợt giật mình khi những hình ảnh ông mập bún bò, bà béo bún riêu, ông với bà bụng bự bò kho… cứ lướt dần ra trước mắt. Ngẫm thêm một chút nữa, tự nhiên mà ngộ được cái tài tình của sự sắp đặt. Không gian của vỉa hè là không gian mở, khoảng khoát và loãng so với sự sắp xếp nền nếp của quán trong nhà, nhưng ta luôn cảm thấy sự gần gũi, ấm áp khi bước vào quán vỉa hè, bởi vì sao? Đó là do quán có hai điểm nhấn thực quan trọng vừa làm nên cái vị đặc trưng cho vị giác, vừa làm thích thú nhãn quan. Điểm thứ nhất chính là thùng nước lèo “tổ chảng”, luôn bốc khói nghi ngút mà lúc đói ta nhìn vào chỉ muốn múc ra ngay mà húp cái “rột”, điểm thứ hai chính là cái bụng bự của người đứng bán, phải rồi, tuy nó không thi vị như dáng eo thon thả của cô hàng nước trong nhạc Vũ Minh, nhưng hình như nó có sức nặng vô hình, làm nên tính hấp dẫn của quán vỉa hè. Bạn thử tạm quên đi cái cồn cào của dạ dày mà ngắm nhìn đôi chút thân hình phục phịch kia có đôi tay diệu nghệ ra sao, nào xắt, nào trụng, nào xếp thịt, nào đổ nước, thoăn thoắt, đều như đong như đếm mà cái miệng luôn hỏi, cái đầu luôn nhớ những yêu cầu của thực khách ngoài kia. Cái thú thưởng thức ẩm thực là được ngắm nhìn sự bài trí, xếp đặt món ăn, quán trong nhà cũng có nhưng cảm giác gò bó giữa những bức tường làm nhạt nhòa đi cảm xúc. Nhìn một ông chủ quán vung tay múa vá giữa không gian ồn ào của phố thị, tui tưởng như đang xem Vô Kỵ vũ khúc Càn khôn đại nã di trấn áp quần hùng giữa không gian lồng lộng của Quang Minh Đỉnh vậy.
Mà xí cái này nhe, nghe người ta kháo nhau hủ tíu Cả Cần ngon lắm đó, nghĩ bụng dù gì cũng dân Xì phố mấy năm, tui tắp vô gọi một tô ăn lấy le với mấy đứa xóm trọ. Ô, ngon thì thiệt là ngon quá xá nhưng tính tiền xong rồi về ghé tiệm chạp-phô mua chục gói mì dùng đỡ mấy hôm sau! Thôi thì ăn một lần cho biết vậy rồi từ đó ta đưa nhau ra hàng hủ tíu gõ đầu hẻm mừ làm hai tô cho ấm lòng. Dù có nghe đồ rằng nước hủ tíu nấu bằng... thịt chuột, trùn chỉ nhưng miễn ngon ngọt, thơm tho thì cái dạ dày tiêu được tuốt!
Ngẫm nghĩ mà thấy tài thiệt, món phổ thông nào trong nhà hàng có thì vỉa hè ta cũng có mà giá lại rẻ không ngờ, từ những món thông thường như cơm, phở, hú tíu, bún bò, bánh cuốn ta còn bắt gặp những khúc biến tấu đường phố của bịt bánh tráng trộn đầy màu sắc, của chén xí quách thơm tho hành chấy hay ly dừa tắc mát mượt ăm ắp cơm dừa, điểm thêm vài lát khóm… để rồi đâm ghiền, đâm nhớ mà khoe với bạn phương xa. Còn gì nữa nhỉ ? Nhiều lắm chứ, còn những quán cháo trắng thơm lừng bên ngăn tủ nào là tôm kho, tép rang, dưa mắm, hột vịt muối; còn những hàng khiêm tốn của hột vịt lộn đậm đà kèm ít rau răm cay cay; còn nhiều nữa bao nhiêu hàng ốc thơm tho mùi me, mùi hành, mùi vỏ nướng, lại nữa từng khu phố của chè, của bò bía, của há cảo, phá lấu xinh xinh níu chân người đang bước. Nếu lúc nào đó Saigon không còn quán vỉa hè, Việt Nam không còn quán cóc, thì Saigon chẳng còn là Saigon nữa và Việt Nam cũng chẳng còn là vẻ đẹp tiềm ẩn.
Chắc hẳn rằng ai trong chúng ta, những khi thèm món gì đều có địa chỉ quen bên vỉa hè, để đến, ngồi vào, mà hít hà, mà cắm cúi. Kẻ vội vàng thì quệt vội ít mồ hôi lấm tấm, thở dài khoan khoái, gọi tính tiền rồi mở cờ trong bụng, ông béo dễ thương bán hàng ngon mà rẻ quá! Người nhàn rỗi thì nhẹ nhàng gọi tô bún bò chẳng hạn, dặn thàng bé chạy bàn trụng kỹ dĩa giá, rồi từ tốn ngắt từng đọt rau thơm, thêm vài khoanh ớt, nặn lát chanh tươi, quết chút sa tế, trộn đều lên, ăn từng gắp một mà lim dim mắt, thong dong ngắm người, ngắm phố giữa cái mát mẻ của vỉa hè. Có thể ngành y tế dự phòng sẽ phản đối lắm lắm cái chuyện cổ súy cho món ăn đường phố, nhưng biết làm sao được ẩm thực vỉa hè đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn của người Việt. Dù cho ở đó có những mảng tối của vệ sinh an toàn thực phẩm, của lấn chiếm lối đi dành cho người đi bộ thì cái thú ngồi lê ghế nhựa của các bà, các cô đi chợ sớm hay cái thỏa lòng no đủ của chàng sinh viên tỉnh lẻ trọ học không vì thế mà giảm sút đi chút nào. Và nữa, dù cho có phải nhận thêm vài con giun con sán trú ngụ nơi dạ dày, ruột non, ta cũng vui lòng mà chơi với vỉa hè bởi vì cứ mỗi 6 tháng, ta lại nhín chút tiền tiêu vặt mà làm một liều Zentel vậy!
Phan Khắc Huy
No comments:
Post a Comment