Wednesday 5 December 2012

Chanh muối



Giữa mùa hè nóng nực này, các thức uống giải khát có lẽ được tiêu thụ rất rất nhiều. Sau cuộc đổ bộ khá thành công của trà xanh (O°, C2), nước hoa quả (Vfresh, Icy+), trà sữa (Latte), hay nhân trần cao cấp (Dr Thanh), có vẻ một thứ đồ uống mới ít nhận được sự chú ý hơn - Chanh muối. Một thức uống đơn giản được tạo ra bằng cách bỏ chanh, muối, cam thảo vào một lọ thủy tinh, được bán ở các hàng quán vỉa hè nay cũng đã được thương mại hóa. Và quả thực, điều này khiến một đứa tiêu thụ khá nhiều nước giải khát như tôi phải chú ý.



Có một số điểm thú vị về thức uống này. Sau café sữa đá, hôm nay tôi phát hiện thêm chanh muối cũng là một thức uống có nguồn gốc Việt Nam và đã chu du ở nước ngoài. Buồn cười là trên trang Wikipedia Tiếng Anh và Tiếng Tây Ban Nha có hẳn một bài nói về "Chanh muối" (ghi bằng tiếng Việt hẳn hoi) trong khi lại không có bài tiếng Việt. Bụt chùa nhà không thiêng chăng?



Điểm thú vị tiếp theo, chúng ta thường dịch từ "chanh" sang tiếng Anh là "lemon", nhưng thực ra, loại "chanh ta" chúng ta đang sử dụng được gọi là "key-lime", một loại quả thường được hái xuống ngay khi còn xanh, có vị nồng và độ axit cao. Đây là loại chanh có nguồn gốc Đông Nam Á, sau đó chu du sang Trung Đông, Bắc Phi, tới Ý, Tây Ban Nha và sau đó được những người Tây Ban Nha mang tới Bắc Mỹ sau khi khám phá ra Tân Thế Giới. Còn chanh tây - "lemon" là một giống chanh có màu vàng, tuy gọi là "tây" nhưng thực ra cũng có nguồn gốc châu Á (Nam Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc). Sau khi tới California, Mỹ, người ta đã lai giống chanh ta và tạo ra chanh không hạt, cũng đã được nhập về Việt Nam gần đây. Ở Việt Nam, chanh muối thường được làm từ chanh ta, còn ở các nước khác lại sử dụng chanh tây.



Tôi cũng đã thử lục lọi xem nguồn gốc của thức uống này từ đâu. Hướng dẫn làm chanh muối trên Việt Nam thư quán đưa chanh muối vào nhóm "Món ăn miền Nam", và sử dụng phèn chua thay vì cam thảo. Một thức uống chanh ngâm muối tương tự trong ẩm thực Ấn Độ và Bắc Phi được ghi lại trong các sách dạy nấu ăn từ đầu thế kỉ 19. Tuy nhiên, có lẽ các tài liệu khác về nguồn gốc của thức uống này chưa được số hóa hoặc có thể cũng chả có tài liệu sách vở nào ghi lại. Qua thời gian, những thứ bình thường nhất cũng có thể trở thành điều bí ẩn.



Theo thông tin từ một số trang web ẩm thực, mà tôi thấy toàn lấy từ Wikipedia, còn người biên tập bài tại Wikipedia lấy từ đâu thì lại không ghi rõ, nhãn hiệu chanh muối được thương mại hóa lần đầu tiên bởi một người (chắc là gốc Việt) tên Dan Vo (Võ Đan chăng), được bán dưới dạng chai và túi tại Đông Nam Á. Mò mẫm đủ kiểu chưa thấy tiểu sử nhân vật này, và vì thế đây vẫn chỉ là một thông tin mơ hồ chưa được kiểm chứng.



Trở lại với nước giải khát chanh muối của năm 2012, được đóng chai và bán với số lượng lớn. Cách đây khoảng một tuần, tôi thưởng thức chanh muối LEO của Vital, đóng trong chai nhựa với kiểu dáng khá đặc biệt hình quả hồ lô. Và ngay lúc này, tôi đã và đang tu hết hai chai chanh muối Faith Quang Hanh với hình dáng chai và bao bì hơi “quê” với màu xanh đỏ và đủ thứ font chữ tạp nham. Tân Hiệp Phát cũng bước vào cuộc đua với hương vị mới trong dòng sản phẩm ACTIVE của mình. Sting của PEPSICO, lần đầu tiên xuất hiện chính tại Việt Nam vào năm 2002, cũng vừa đưa ra vị Chanh Muối với Sting Pro. Hai công ty nước giải khát ít tên tuổi hơn là Sen Việt, Đất Việt cũng đưa ra hai sản phẩm nước giải khát vị chanh muối khác với cái tên C+ Push Max. Nhìn chung, qua hai sản phẩm đã thử qua, vị chanh muối đóng chai có phần nhẹ hơn và dễ uống hơn so với những cốc chanh muối đá bán ở các quán vỉa hè.



Ngoài ra, ít liên quan hơn, sản phẩm soda cam chanh Orangina do nhà máy TRIBECO đóng chai cũng mới ra mắt và có vị khá lạ. Theo tìm hiểu thì đây là một dòng nước giải khát hiện do Suntory Nhật Bản giữ bản quyền, được bán đi bán lại và thực sự cũng chưa rõ ở Việt Nam thì nó hiện do ai nắm giữ, chỗ thì ghi Cocacola, chỗ thì ghi Fosters (mà rõ đây là một hãng bia).



Cuộc chiến giữa các loại nước giải khát có lẽ sẽ mãi không có hồi kết. Bên cạnh cuộc chiến của hai người khổng lồ Cocacola và Pepsico, cuộc chống chọi trước sức mạnh toàn cầu hóa của những anh hùng đất Việt có lẽ cũng đáng được quan tâm. Và chanh muối, có thể lắm chứ, một thức uống thuần Việt vươn ra toàn cầu và ảnh hưởng tới đời sống văn hóa – xã hội của các châu lục và quốc gia khác trên thế giới.

No comments:

Post a Comment