Wednesday 5 December 2012

Facebook rồi cũng sẽ giết chết Instagram?

Dòng cập nhật trạng thái mới của Mark Zuckerberg khiến tất cả sững sờ. Lần đầu tiên, Facebook mua lại một ứng dụng mạng xã hội và vẫn để nó tiếp tục phát triển. Đó chính là Instagram, sau 17 tháng phát triển không lợi nhuận và có được một thương vụ sáp nhập trị giá 1 tỷ đô.



Hình ảnh - chìa khóa vàng của Facebook

Có một câu nói khá phổ biến là "Một hình ảnh hơn vạn lời nói". Thay vì nhấn nhá từng câu từng chữ cho một ghi chép kỉ niệm, bạn chỉ cần chụp lại một vài tấm ảnh cũng đủ khiến mọi kí ức tràn về mỗi lần nhìn lại. Với cả, viết lách là một cách sử dụng thời gian khá xa xỉ và không phải ai cũng có khả năng viết được những câu chữ hay ho xúc động lòng người.



Trên facebook, hình ảnh có thể gây ấn tượng với người xem ngay lập tức khi họ nhìn thấy nó, hơn hẳn so với việc chăm chú đọc một status hay một note dài cả ngàn từ. Thế nên, những mạng xã hội phổ thông như Facebook đang tập trung rất mạnh cho tính năng chia sẻ hình ảnh. Tính năng này được nâng cấp liên tục trong suốt nhiều năm qua và đang ngày càng hoàn thiện.



Ngoài ra không thể kể đến các tính năng bổ sung như tag ảnh, tự động nhận diện khuôn mặt, thêm vị trí địa lý, viết chú thích ảnh gần như không giới hạn độ dài hay các tính năng hiện thị đẹp mắt trên giao diện mới timeline. Nói thêm một chút về giao diện timeline, có thể nói khi giao diện này xuất hiện, Facebook trở thành một "facebook" thực sự khi trang cá nhân giờ đây khi khuyến khích người dùng đăng tải hiển thị hình ảnh của cá nhân và bạn bè hơn là những dòng cập nhật trạng thái có phần tẻ nhạt.




Instagram - Điều gì tạo ra sự khác biệt?


Instagram là một ứng dụng chụp ảnh trên nền tảng iOS, cho phép người sử dụng chụp ảnh và chỉnh sửa chúng trước khi đăng tải lên các trang mạng xã hội. Tất nhiên, Instagram cũng có một trang mạng xã hội cho riêng mình.



Điểm đặc biệt của ứng dụng này nằm ở hai yếu tố. Kích thước hình ảnh và các bộ tinh chỉnh hình ảnh tự động. Khác với các máy ảnh kĩ thuật số thông thường với tỉ lệ chiều dài - rộng 4:3, Instagram chỉ cho phép chụp ra những tấm ảnh có hình vuông. Kích thước này lấy cảm hứng từ Instamatic, dòng máy ảnh chụp lấy ngay của người hùng một thời Kodak, và có lẽ là cả những biểu tượng ứng dụng hình vuông của Iphone.



Nhưng điều tạo ra sức quyến rũ mãnh liệt chính là ở các bộ tinh chỉnh hình ảnh tự động. Với thuật toán tốt, Instagram cho phép người dùng có được những bức hình với màu sắc đẹp long lanh mà không cần mất thời gian với các công cụ như Photoshop.



Và như một bản năng, người ta cảm giác mình giống như một chuyên gia chụp ảnh và thiết kế thứ thiệt, chia sẻ hình ảnh đó ngay lập tức cho những người bạn của mình. Những tấm ảnh đẹp liên tục xuất hiện trên mạng của Instagram và tạo ra hiệu ứng gây nghiện không kém gì Facebook.





Cặp đôi Instagram - Facebook: Họ thực sự cần nhau?

Sau hơn một năm phát triển trên nền iOS, Instagram có hơn 30 triệu người sử dụng với hớn 150 triệu ảnh được chia sẻ hàng tháng. Với thành quả ấy, công ty đang được định giá với con số 500 triệu đô. Dĩ nhiên không là gì so với Facebook, nhưng xét trong bối cảnh là một ứng dụng Iphone thì con số đó đáng để mơ ước.



Tuy vậy có một vấn đề lớn với những nhà phát triển ứng dụng. Không có tiền, mọi thứ sẽ sụp đổ. Instagram không giống một số ứng dụng chụp ảnh tương tự với các tính năng cao cấp cần trả thêm phí. Họ muốn nó hoàn toàn miễn phí và cần thành lập các quỹ hỗ trợ để duy trì hoạt động. Tất nhiên với một ứng dụng tốt và đem lại lợi ích cho người dùng thì điều đó không phải chuyện khó khăn. Bằng chứng là tháng 2 năm trước, Instagram tuyên bố đã nhận được 7 triệu USD từ các nhà đầu tư và bây giờ con số lên đến khoảng 50 triệu. Nhưng về lâu về dài, mọi thứ sẽ không dễ dàng để có cơ sở hạ tầng tốt cho nhiều người sử dụng, khi số lượng tài khoản đăng kí và lượng ảnh tải lên cứ lớn lên từng ngày.



Rồi Facebook xuất hiện, không phải với tư cách một kẻ hủy diệt mà giống như một nhà đầu tư có tầm nhìn. Instagram đã về một nhà với mạng xã hội hàng đầu với 1 tỷ đô tiền mặt và cổ phiếu ngay sau khi ra mắt ứng dụng dành cho Android cách đó chưa đầy một tuần. Để ghi nhớ sự kiện này, Mark Zuckerberg khẳng định trong cập nhật trạng thái mới nhất của mình: "Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng đối với Facebook, bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi sở hữu một sản phẩm và một công ty với rất nhiều người sử dụng. Chúng tôi không có ý định làm nhiều thương vụ như thế này. Nhưng việc cung cấp những trải nghiệm chia sẻ hình ảnh tốt nhất là một lý do khiến nhiều người dùng yêu quý Facebook và chúng tôi nhận thấy sẽ tạo ra nhiều giá trị khi hai công ty hoạt động cùng với nhau."





Facebook không phải lần đầu tiên thực hiện các thương vụ M&A. Trước đó họ đã mua lại mạng xã hội Friendfeed, Friendster, ứng dụng định vị Gowalla hay ứng dụng mạng xã hội di động Snaptu nhưng con số bỏ ra thấp hơn rất nhiều. Cùng với đó, mục đích thực sự của Facebook là có được các tính năng tương tự tích hợp vào Facebook và dĩ nhiên, có được những nhân sự cực tốt. Nhưng lần này hoàn toàn khác, họ không bỏ rơi Friendfeed, đóng cửa Gowalla hay đổi tên Snaptu thành Facebook for Mobile. Theo lời Mark, mặc dù việc tích hợp các tính năng của Instagram vào Facebook là điều sẽ được thực hiện, nhưng ứng dụng này không những không dừng hoạt động, mà sẽ được nhận được hỗ trợ phát triển từ chính các kĩ sư tài năng của Facebook.


Instagram - lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua của những ông lớn




Thương vụ này làm tôi nhớ tới việc Google mua lại dịch vụ biên tập ảnh trực tuyến Picnik. Picnik được nhiều người đánh giá cao với khả năng tinh chỉnh hình ảnh thân thiện với nhiều tính năng không kém các phần mềm chuyên nghiệp như Photoshop. Ban đầu, Google để Picnik tiếp tục hoạt động, đồng thời bắt đầu tích hợp tính năng chỉnh sửa hình ảnh vào các dịch vụ khác của họ như Blogger, Picasa rồi Google+. Nhưng rồi, chiến dịch đồng bộ hóa dịch vụ nhằm đẩy mạnh Google+ đã giết chết Picnik. Vài ngày tới, trang Picnik sẽ chính thức dừng hoạt động vĩnh viễn và chỉ còn là các tính năng tích hợp bên trong các sản phẩm khác của Google.





Tương lai của Instagram liệu có giống như Picnik không? Trong suy nghĩ của các nhà phát triển ứng dụng này, chắc họ cũng đã đối chiếu với trường hợp của Picnik. Tuy không công khai, nhưng giá để có được Picnik chắc chắn thấp hơn khá nhiều so với con số 1 tỷ đô. Với một số tiền lớn như vậy, ban lãnh đạo Facebook thể hiện kì vọng vào sự phát triển của ứng dụng này hơn là ham muốn xóa sổ nó để bớt một đối thủ tiềm tàng. Cùng với đó, Facebook, với sứ mệnh kết nối người dùng, không dễ dàng đóng cửa Instagram khi nó đang có mạng lưới người dùng rộng lớn như vậy. Instagram sẽ sống đến khi nào người sử dụng vẫn cần nó như cần Facebook hay Twitter.



Đối với Facebook, những người nhìn nhận rõ giá trị của hình ảnh trong việc chia sẻ của người dùng, Instagram đáng giá với con số 1 tỷ đô đó hay không? Sẽ là xứng đang khi họ đang nhìn một cách toàn cảnh các hệ thống mạng xã hội. Instagram hay Pinterest đều đang rất thành công với việc tập trung vào hình ảnh. Và đặc biệt, Instagram hướng đến điện thọai di động - nền tảng sẽ trở nên phổ biến nhất trong tương lai. Pinterest giống như Groupon, không dễ dàng để chấp nhận về tay một người khổng lồ khác, và Facebook xử lý bằng cách hợp tác tích hợp ứng dụng này vào giao diện mới Timeline. Còn Instagram lại khác, những người phát triển nó chưa nghĩ tới hay chưa đủ tập trung để biến nó thành một công cụ đem lại nhiều lợi nhuận. Và nếu Facebok không ra tay sớm, những tay chơi như Google, Microsoft sẽ không để tuột tay con bài quá giá trị này.




Tương lai nào cho Instagram?


Facebook sẽ vĩnh viễn biến Instagram thành một phần của Facebook hay sẽ để Instagram tạo ra một đế chế riêng trên những smartphone? Một sự thực là Facebook đang cố gắng phát triển nền tảng di động của mình, và có được đội ngũ phát triển và các tính năng của Instagram là một nước đi khôn ngoan trong lộ trình đó. Nhưng người dùng vẫn đang rất hài lòng với Instagram và không dễ dàng chấp nhận sự thật rằng ứng dụng này sẽ biến mất. Thậm chí có thể tạo ra hiệu ứng tẩy chay hàng loạt.





Facebook chắc chắn đang nhìn vào trường hợp của Youtube, Flickr hay Skype sau khi về tay các đại gia. Đó là những sản phẩm tốt và đem lại những giá trị cho những người sử dụng. Và dĩ nhiên kéo theo nó, là khả năng sinh lời. Một công ty sau IPO với giá trị khổng lồ như Facebook có lẽ cũng cần sử dụng tiền của mình để đầu tư một cách mạnh dạn và khôn ngoan vào các dự án tiềm năng khác để giữ tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư.



Tuy nhiên về lâu về dài, khi những tính năng của Instagram tích hợp vào Facebook, điều gì cũng có thể xảy ra. Người dùng có thể sẽ không thấy cần thiết khi vào Instagram để chụp những tấm ảnh đẹp nữa. Instagram sẽ dần hoàn thành sứ mệnh của mình và ra đi trong sự thanh thản với lời cảm ơn chân thành của hàng triệu người dùng. Tất cả cũng chỉ là suy đoán, nhưng suy nghĩ đến tận cùng, bên cạnh những lợi ích trị giá hàng tỷ đô dành cho các ông lớn, người dùng sẽ luôn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Đó mới là điều những người như tôi thực sự quan tâm.

No comments:

Post a Comment