Wednesday 5 December 2012

Sau buổi nói chuyện về Ai và Ky











Hôm nay dù tới muộn vẫn cố chen chân vào ngắm GS Ngô Bảo Châu, nhà thơ Trần Đăng Khoa, tiếc là không có họa sĩ Thái Mỹ Phương. Mình mua sách 30% vì cái tên Ngô Bảo Châu, 10% vì nội dung có vẻ thú vị và 60% còn lại vì Thái Mỹ Phương vẽ quá đẹp. Còn hội trường chật kín gần hết chỗ đứng hôm nay, có lẽ đến 90% vì cái tên Ngô Bảo Châu.



Cần phải nói như thế bởi vì tôi cảm thấy cuốn sách này trở nên nổi phần nhiều nhờ GS Ngô Bảo Châu. Một cái tên được giới truyền thông lăng xê không kém gì những teen girl, ca sĩ hay người mẫu. Có chăng khác nhau ở chỗ, cái cớ để truyền thông sử dụng là tự tôn dân tộc và tài năng học thức. Những thứ bỗng đang dần trở nên xa xỉ trong một bầu không khí truyền thông bị lấp đầy bởi bộ ba quyền lực cướp - giết - hiếp và xoáy sâu vào những định kiến gây tranh cãi không hồi kết từ phía cộng đồng.



Một điều khá thú vị của buổi ngày hôm nay, đó là có rất nhiều phụ huynh đưa con mình tới. Với các bậc làm cha làm mẹ, đây có vẻ là một cơ hội để giúp những đứa trẻ sẽ không càu nhàu mỗi khi ngồi làm bài cộng trừ nhân chia đến khuya, bởi vì Ai và Ky đã đem lại cho chúng cảm giác toán học là một thứ gì đó thật tuyệt diệu, thần kì không kém gì những câu chuyện hoàng tử và công chúa. Và dĩ nhiên rồi, không ngừng nhắc nhở những câu đại loại như: "Con phải cố gắng học hành để được như chú Châu, bác Khoa nhé". Thế mà, cứ thử đến khi thi ĐH xem, mấy người dám cho con thi vào ngạch Toán hay Văn thuần túy rồi chui vào Viện Nghiên cứu. Phải cố mà yêu Toán, yêu Văn, nhưng rốt cuộc cũng chỉ để có điểm cao, để sau này đủ điểm vào trường top.



"Ai Và Ky Ở Xứ Sở Những Con Số Tàng Hình" giống như một thử nghiệm của GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn về một loại hình văn - toán học chưa được chú ý tại Việt Nam. Tôi không nói đó là một cuốn sách dở, phải nói là đọc xong mấy chương giọng văn cũng khá thú vị, nhưng cuốn sách này với tôi đã thất bại vì nó không làm được gì hơn là gây ảnh hưởng với công luận. Với trẻ con thì chỉ ngắm tranh đẹp (một em bé hôm nay phát biểu), với học sinh cấp hai cấp ba chắc cũng phải tư duy nhiều mới hiểu được nội dung còn người lớn thì gật gù bảo con đọc đi để thêm yêu toán học. Đây là một cuốn sách dành cho mọi độ tuổi, nhưng nó không làm được chức năng sư phạm là đem đến kiến thức toán học một cách dễ tiếp nhận hơn.



Tôi thấy GS Ngô Bảo Châu thật khổ. Một người làm công tác nghiên cứu toán học thuần túy nay trở thành một nhà văn - nhà báo tên tuổi, một nhà sư phạm lớn, một nhà cải cách giáo dục có tầm ảnh hưởng. Tôi thấy buồn cười khi có người hỏi GS có muốn đóng góp vào việc xây dựng và phát triển trường thực nghiệm cấp 2, cấp 3. Tôi nhớ lại một câu chuyện của Azit Nexin, kể lại khi một nhà văn vĩ đại sắp qua đời và nói lời cuối: "Hãy mở cửa ra". Thế là chao ôi, đủ thứ phân tích này nọ về cái lời ngàn vàng đó. Nhưng ai biết đâu được chỉ là vì tối quá, ông muốn mở cửa ra để thấy rõ mọi người hơn. GS Ngô Bảo Châu có lẽ cũng chỉ vì yêu thích nên mới cùng Nguyễn Phương Văn tạo ra câu chuyện hơi hướng Alice này, nhưng cái thế sự này lại nghĩ ông đang muốn tạo ra một cuộc cách mạng với nền giáo dục đang trì trệ của nước nhà.



Mong người ta đừng trông mong vào GS Ngô Bảo Châu trong việc cải cách giáo dục này nọ, hãy để ông làm đúng chức danh của mình và đóng góp nhiều hơn. Chẳng kiện tướng cờ nào thắng được người thường nếu thi bơi với họ cả. Tất nhiên cũng phải nói rằng, GS Ngô Bảo Châu viết văn cũng không đến nỗi nào.



Buổi hôm nay, may có bác Trần Đăng Khoa hoạt ngôn dẫn dắt, chứ cả ba diễn giả đều giỏi viết lách và nghiên cứu hơn là nói chuyện. Có câu chuyện vui lâu lâu tôi lại được nghe lại về giai thoại Nguyễn Khải. Tác gia hí hửng làm văn cho con về chính tác phẩm Mùa lạc của mình, xong rồi con về khóc lóc vì chỉ được có 3 điểmkèm lời phê "Em không hiểu ý tác giả."



Tôi khá đồng ý với quan điểm không nên cố gắng đưa cuốn sách này vào nhà trường trong lúc này. Hãy để nó sống một cách tự nhiên, những cưỡng ép sẽ khiến nó chết dần chết mòn như những cuốn sách lý thuyết. Và những đứa trẻ được đưa vào một buổi tọa đàm gần như không phù hợp với khả năng nhận thức liệu có phải là một sự cưỡng ép?

No comments:

Post a Comment