Wednesday 5 December 2012

Cuộc sống trên những trang mạng xã hội: Bao nhiêu "bạn bè" là đủ?



Vừa qua tôi có đọc được một dòng cập nhật trạng thái từ một bạn-của-một-bạn (theo ngôn ngữ Facebook thì là Friend of A Friend). Đại ý của câu bạn đó đăng lên là “Tôi có gần 600 người bạn trên Facebook, nếu quan tâm tới tôi thì hãy nhấn Like, nếu sẵn sàng nói chuyện với tôi bất cứ lúc nào thì Comment”. Tôi đặt ra những câu hỏi, nếu như đó là một câu nói với sự nghiêm túc tuyệt đối, sẽ có bao nhiêu người nhấn nút like và bình luận về dòng trạng thái đó? Và câu hỏi tiếp theo, trong hàng trăm thậm chí hàng ngàn người bạn của bạn trên Facebook, bạn thực sự có thể tạo những mối quan hệ thật sự tới bao nhiêu người?


Lang thang trên mạng đọc tài liệu mấy ngày qua, cộng thêm với những nhận định cá nhân, hi vọng tôi có thể trả lời những câu hỏi ấy, và một vài câu hỏi khác. Đây thực sự là một bài viết rất dài và nhiều thông tin, một lời khuyên cho những người quan tâm là hãy đọc từ từ và liên hệ bản thân để có thể nắm bắt được toàn bộ và có những trải nghiệm tốt nhất.



Mạng xã hội, anh là ai?

Phần đầu tiên, tôi sẽ nói về một khái niệm - Mạng xã hội. Nhắc đến social network (mạng xã hội), chắc hẳn bạn sẽ hình dung ngay trong đầu mình những cái tên như Facebook, Twitter, Google+, Youtube hay Zing Me, Go.vn,... Nhưng cần phải nói rằng, bản thân những cái tên đó không phải là những mạng xã hội thật sự, chúng chỉ là những dịch vụ trực tuyến tập trung vào việc xây dựng và phản ánh những mạng xã hội mà thôi. Tất nhiên là như bao người khác, bạn có thể tiếp tục gọi những cái tên ấy bằng một từ thân thuộc là “mạng xã hội”.



Mạng xã hội là "một tập hợp những người được kết nối với nhau bằng một tập hợp các mối quan hệ, ví dụ như tình bạn, cộng sự hay trao đổi thông tin" (Garton và các cộng sự, 1997). Bạn có thể hiểu một cách đơn giản hơn, mạng xã hội là hệ thống của những mối quan hệ giữa con người. Trong bài viết này tôi cũng chỉ có khả năng đề cập đến mạng lưới xã hội của các cá nhân. Tôi tin bạn cũng nhận ra một điều, chúng ta đang sống trong một xã hội, và tồn tại các mạng lưới xã hội phản ánh trong chính cuộc sống này ngay cả khi không sử dụng những dịch vụ như Facebook. Vì vậy, để có thể nắm rõ những điều dưới đây, hãy tạm coi những dịch vụ như Facebook chỉ là các công cụ mà bạn có thể sử dụng để xây dựng mạng lưới cho chính mình.

Quay trở lại với vấn đề chính, lý thuyết về mạng lưới xã hội nhìn nhận các mối quan hệ xã hội bằng cách sử dụng hai thuật ngữ, Node (Điểm nút) và Tie (mối ràng buộc). Điểm nút chính là các cá nhân (individual) trong mạng lưới xã hội, còn mối ràng buộc chính là liên kết giữa các cá nhân cụ thể trong mạng lưới đó. Bạn có thể tưởng tượng ra một sợi dây với các nút thắt hoặc trừu tượng hơn là những liên kết giữa các nguyên tử, phân tử hóa học. Hoặc không bạn có thể nhìn vào hình minh họa ở dưới, đây là mô hình mạng lưới xã hội ở cấp độ vi mô (Micro-level).


 

Mối ràng buộc giữa các cá nhân trong mạng lưới xã hội

Hãy nhìn lại hình ảnh minh họa về mạng lưới xã hội, coi những quả bóng đại diện cho một nhóm người. Hai người có mối liên hệ với nhau được thể hiện bằng một đoạn thẳng kết nối hai quả bóng tượng trưng cho hai người đó. Ngược lại, sẽ không tồn tại một đoạn thẳng nào.

Nhưng mối liên hệ của cá nhân này đối với các cá nhân khác nhau không phải lúc nào cũng tương đương nhau. Cụ thể, có những người chúng ta gọi là cha mẹ, anh chị em, bạn thân, bạn cùng lớp, người quen,... Nhà xã hội học kinh tế Mark Granovetter đã phân loại các mối ràng buộc thành ba nhóm: strong tie (mối ràng buộc mạnh), weak tie (mối ràng buộc yếu) và absent tie (mối ràng buộc vắng mặt).



Theo Granovetter, mức độ mạnh của một mối ràng buộc là một sự kết hợp của lượng thời gian, cường độ cảm xúc, mức độ thân mật (hay sự tin tưởng lẫn nhau), và những sự hỗ trợ qua lại, cùng với đó, sự kết hợp này xác định rõ đặc điểm của từng mối ràng buộc. Có thể ví dụ cụ thể về mối ràng buộc giữa hai người bạn thân thiết. Hai người dành cho nhau 2 tiếng mỗi ngày, coi nhau là một người không thể thiếu trong cuộc sống của mình, nói cho nhau nghe những tâm tư thầm kín, và giúp đỡ nhau làm bài tập khi một trong hai người bị ốm.

Có một giả thuyết khá thú vị liên quan đến mối ràng buộc giữa các cá nhân. Sử dụng các lý thuyết toán học và xác suất, nhà tâm lý học Anatol Rapoport đã đưa đến một kết luận bất ngờ, sau đó cũng được Granovetter khẳng định với forbidden triad (nhóm ba bị ngăn cấm).


Lựa chọn hai cá nhân ngẫu nhiên,chẳng hạn A và B, từ tập S=A, B, C, D,E,..., với điều kiện bất kì cá nhân nào trong tập này đều có mối ràng buộc với ít nhất một trong hai người. Theo lý thuyết xác suất, nếu như A có mối ràng buộc mạnh với cả B và C, thì mối ràng buộc giữa B và C luôn tồn tại, dù là mạnh hay yếu.


 

Số Dunbar: Giới hạn của nhận thức trong xây dựng mối quan hệ

Với cách thức mở rộng mạng lưới bạn bè của Facebook, bạn có thể có một danh sách bạn bè lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên bao nhiêu người trong danh sách đó thực sự là bạn bè của bạn? Có thể nói, từ “bạn bè” không còn giữ được ý nghĩa giống như trong cuộc sống hàng ngày (không có Facebook). Thêm một người vào danh sách bạn bè của mình đơn giản là bạn đang nhận thêm một chiếc card visit hoặc xác nhận lại một mối quan hệ trong cuộc sống. Những mạng xã hội khác nhận ra vấn đề đó, như Twitter sử dụng thuật ngữ Follower (người theo đuôi) đối với những người bạn quan tâm hay Google+ sử dụng các Circle (Vòng tròn kết nối) khác nhau cho phép bạn đặt tên cho từng nhóm người cụ thể.

Để tập trung hơn, hãy bắt đầu với việc thu hẹp mạng lưới xã hội về mạng lưới của một cá nhân.Đó là một mạng lưới dựa trên những mối quan hệ của một cá nhân, là một tập hợp những người mà một cá nhân quen biết, mong muốn được tiếp tục tương tác với họ để hỗ trợ cho những hoạt động cụ thể, như là chia sẻ thông tin hay những lời khuyên. Dĩ nhiên, những mối ràng buộc mạnh - yếu vẫn đóng vai trò trong việc duy trì mạng lưới này.






Thật quá tuyệt vời nếu chúng ta có nhiều những mối quan hệ tốt đẹp và đem lại cho chúng ta những ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên khả năng của não bộ không cho phép chúng ta duy trì quá nhiều mối quan hệ. Một nghiên cứu nổi tiếng đã chỉ ra giới hạn của nhận thức về số lượng những cá nhân mà một người có thể duy trì những mối quan hệ ổn định - Số Dunbar, được đưa ra dựa trên các nghiên cứu của nhà nhân chủng học người Anh Robin Dunbar. Con số đó là 150, cũng có thể hiểu đó là số lượng những người thực sự mà chúng ta coi là bạn bè và người thân. Và tất nhiên, chúng ta cũng chỉ có thể tương tác thường xuyên với tối đa là 150 "bạn bè" trên Facebook mà thôi.

Số Dunbar bao gồm những người trong gia đình và những người bạn thân thiết của bạn, đồng thời bao gồm một số những người bạn quen biết nhưng không thân thiết. Đó là những người quen bạn nhận ra nơi công cộng, không ngại ngần tiến đến và nói với họ rằng: “Đi đâu đấy, lâu lắm không gặp?”. Những người trong gia đình là những mối quan hệ đặc biệt, những mối ràng buộc mạnh mà không phải trải qua quá trình nào trước đó như làm quen cũng như xây dựng niềm tin và tình cảm. Khi bạn đã đạt đến giới hạn này và muốn kết thêm bạn mới, nhất là mong muốn trở thành những người bạn thân của họ, bạn phải chấp nhận bạn đang đánh mất một hay một số người bạn khác của mình. Không đơn thuần chỉ là khả năng nhận thức của não bộ, mà rõ ràng để xây dựng một mối quan hệ, bạn cần bỏ ra không nhỏ những thứ như thời gian, công sức. Từ quá trình làm quen, tạo dựng mối ràng buộc yếu, trở thành một mối ràng buộc mạnh và phải duy trì nó nếu như không muốn nó quay về thời điểm ban đầu. Hóa ra, người ta bảo "xa mặt cách lòng" cũng là có cơ sở khoa học cả.

Số Dunbar không bao gồm số lượng những người mà một cá nhân biết nhưng không còn mối quan hệ nào, hay những người có chỉ quen biết thông thường mà thiếu một mối quan hệ lâu dài. Số lượng những người như thế có thể cao hơn rất nhiều và phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ.







Chúng ta có rất ít những người bạn thực sự

Ngoài lề một chút, chúng ta (người Việt Nam) rất hay sử dụng từ "bạn", điều đó khiến chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc xác định mức độ thân mật. Nào là bạn thân, bạn cùng lớp, bạn cùng xóm trọ, bạn hàng, bạn cơ quan... Chính tôi cũng đang gọi người đọc là "bạn". Có thể khẳng định rằng "bạn" thì ít mà "bè" thì nhiều. Có thể không ít những người chúng ta gọi là "bạn" thực ra chỉ là những người chúng ta quen biết, thậm chí quen biết sơ giao đến nỗi gặp nhau còn ngại chào, hoặc quên chào hỏi. Tức là thậm chí còn chẳng nằm trong con số 150 kia.

Trên thực tế, mức độ mạnh của ràng buộc thường phân cấp nhiều hơn lý thuyết của Granovetter. Một nhà khoa học khác là David Krackhardt cho rằng có vấn đề trong việc xác định mối ràng buộc mạnh theo quan điểm của Granovetter, nó quá chủ quan khi sử dụng những tiêu chí như cường độ cảm xúc hay mức độ thân mật. Ông đưa ra một thuật ngữ mới là strong tie Philo (Philo trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là tình yêu). Loại ràng buộc mạnh này rất cần thiết đối với một cá nhân khi họ đối mặt với một sự thay đổi nghiêm trọng hay sự không chắc chắn, và họ cần có người để đặt niềm tin, giúp họ đưa ra quyết định. Để đáp ứng một mối ràng buộc mạnh Philo cần hội đủ ba điều kiện sau đây:


  • Tương tác: A và B phải tương tác với nhau.

  • Sự quan tâm: A phải quan tâm đến B

  • Thời gian: A và B phải có một quá trình tương tác trong một thời gian dài.


Dunbar cũng nghiên cứu về mức độ sâu sắc của những mối quan hệ trong các nhóm người và đưa ra những kết quả khá thú vị. Mức độ thân thiết mạnh nhất được ông gọi là support clique (nhóm bạn trụ cột), đây là những người bạn sẵn sàng tìm tới những lời khuyên, hỗ trợ, hay giúp đỡ trong lúc khủng hoảng tình cảm hay khó khăn về tài chính. Nhóm này thường chỉ có 3-5 người. Kế đó là sympathy group (nhóm bạn đồng cảm) với mức độ thân thiết thấp hơn, thường nằm trong khoảng 10-15 người, đôi khi có thể lên đến khoảng 20 người. Đây là những người bạn tìm đến nói những chuyện hai bên quan tâm và bạn sẽ thực sự đau đớn nếu như họ qua đời. Chúng ta có thể nhận ra mối tương đồng giữa hai nhóm này với strong tie Philo. Tiếp đó là là overnight-camps (hay band) với khoảng 35-50 người và clan với giới hạn 150. Mối quan hệ tình cảm của các nhóm này dừng ở mức thông thường, họ có thể chào hỏi, nói chuyện hay cùng làm việc với nhau.





Đây là lý do bạn không nên cảm thấy quá dằn vặt hay cứ cố nài nỉ khi một người bạn không chịu nói cho bạn biết vấn đề của mình, vì bạn không nằm trong Top 3 (hoặc 5) của họ. Hay cũng là chuyện bình thường khi một người nói rằng: “Chỉ khi người đó ra đi, tôi mới biết người đó quan trọng với tôi thế nào”, bởi với khoảng 15 người có mối quan hệ tương đương, bạn khó mà nhận ra được mức độ quan trọng của người đó với bạn trong cuộc đời. Và với một con số khá nhỏ như 20, tôi nghĩ tại sao bạn không thử viết những cái tên ra giấy và suy nghĩ lại về những mối quan hệ thân thiết nhất của mình.




Sự phân nhóm các mối quan hệ

Trong mạng lưới các mối quan hệ của mình, chúng ta không chỉ phân cấp thành những mối ràng buộc mạnh hay yếu. Chúng ta đang sống trong những cộng đồng từ qui mô nhỏ đến qui mô lớn, và vì thế những mối quan hệ có thể phân thành nhiều nhóm (có thể nói khá độc lập). Đó là gia đình, lớp học, nhà trường, khu phố, những câu lạc bộ sở thích,... Ở từng nhóm này, chúng ta có khả năng truyền đi những thông tin khác nhau để phù hợp với đặc tính cũng như mối quan tâm của từng nhóm đối tượng. Nói một cách khác, mỗi thông tin bạn đưa ra ảnh hưởng khác nhau tới từng đối tượng hay nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, bởi sự chi phối của niềm tin, có những thông tin bạn muốn chia sẻ với nhóm người này nhưng không muốn chia sẻ với một nhóm người khác.

Các trang mạng xã hội hiện tại đều đã cung cấp các công cụ để người dùng phân loại các nhóm xã hội cũng như kiểm soát nguồn tin mình đưa ra gần với cuộc sống thực. Như trên Facebook với tính năng List để phân loại danh sách bạn bè, hay Group để chia sẻ thông tin nhanh chóng đến một nhóm người. Ví dụ bạn đưa lên một bài giảng trên lớp, bạn sẽ hướng nó đến những người bạn trong lớp học của bạn. Vì thế bạn nên sử dụng Group để chia sẻ thông tin hữu ích này. Tuy nhiên do mức độ ảnh hưởng tới các nhóm đối tượng là khác nhau, khi bạn đăng tải bài giảng đó công khai tới tất cả các đối tượng, thì những người quan tâm vẫn thường tập trung ở nhóm bạn cùng lớp của bạn mà thôi. Và do đó là một thông tin không quá riêng tư, nhạy cảm, bạn cũng không phải lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực của việc chia sẻ rộng rãi.





Lan truyền thông tin trong mạng xã hội: Sức mạnh của những mối ràng buộc

Thực sự tôi rất muốn viết một bài riêng về sự lan truyền thông tin, vì đây là cảm hứng đầu tiên đưa tôi rong ruổi tìm kiếm thông tin để viết bài này. Có thể tôi sẽ tìm cách phân tích kĩ hơn trong một bài viết sau nếu tôi có đủ thời gian và tâm huyết.

Một kết luận có thể đưa ra từ những điều đã được đưa ra, những mối ràng buộc mạnh với các yếu tố như tình cảm, sự tin tưởng là cầu nối mạnh mẽ để những thông tin được chia sẻ liên tục và nhanh chóng giữa các cá nhân. Bạn có thể liên hệ lại giả thuyết forbidden triad (nhóm ba bị ngăn cấm). Không bao giờ không tồn tại một mối ràng buộc nào giữa hai người có chung một mối ràng buộc mạnh. Đây có thể coi là một nền tảng giúp cho một mạng lưới xã hội gia tăng số lượng, và giúp cho thông tin lưu chuyển trong mạng lưới tốt hơn.

Tuy nhiên những mối ràng buộc yếu không hề vô dụng, thậm chí nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm những thông tin mới mẻ. Trở lại với lý thuyết của Granovetter, tôi (cố tình) quên nhắc đến tên tác phẩm của ông - The Strength Of Weak Ties (Sức mạnh của những mối ràng buộc yếu). Nếu bạn đã đọc cuốn The Tipping Point (Điểm bùng phát) của Malcolm Gladwell thì chắc sẽ nhớ nghiên cứu về chuyện tìm việc làm của Granovetter (và cả con số Dunbar nữa).


 Để phục vụ cho nghiên cứu của mình, ông đã phỏng vấn riêng 100 người. Có 54 người trong số đó đã sử dụng các mối quan hệ cá nhân của mình để có được những thông tin việc làm cần thiết. Chỉ có 16,7% tìm thông tin thông qua những mối quan hệ thường xuyên (gặp nhau ít nhất một lần trong tuần), trong khi đó có tới 55,6% tìm tới những mối quan hệ không thường xuyên (nhiều hơn một lần một năm nhưng ít hơn hai lần một tuần) và 27,8% tìm được việc qua những mối quan hệ ít khi gặp mặt (một lần một năm hoặc ít hơn). Khi Granovetter hỏi họ xem có phải bạn bè của họ nói cho họ biết về công việc hiện tại không, phần lớn câu trả lời là “đó là người quen, không phải bạn bè của tôi”.





Thực ra lý giải điều này cũng không phải quá khó khăn. Với những người bạn trong nhóm có mối ràng buộc mạnh, họ trao đổi với nhau gần như tất cả những thông tin họ có thể. Nhưng có một vấn đề, vì họ là có những ràng buộc mạnh, họ có nhiều điểm chung trong tư tưởng hay những lĩnh vực họ quan tâm. Những thông tin một người trong nhóm biết thì những người trong nhóm cũng có thể đã biết. Những mối ràng buộc yếu giữa hai cá nhân (và đi kèm là những mối ràng buộc mạnh của các cá nhân đó), đem lại cho họ những nguồn thông tin mới mẻ hơn, những thứ họ không thể tìm thấy khi tương tác với những người có mối ràng buộc mạnh. Granovetter ví mối ràng buộc yếu giữa các nhóm thông qua hai cá nhân của hai nhóm giống như một cầu nối. Ông đưa ra nhận định: "Những mối ràng buộc yếu cung cấp cho mọi người khả năng truy cập tới những thông tin và những nguồn lực nằm ngoài phạm vi mạng lưới xã hội của họ, trong khi những mối ràng buộc mạnh có sức mạnh trợ giúp và tiếp cận dễ dàng hơn."

Liên hệ tới các trang mạng xã hội, những nhóm bạn với liên kết mạnh, bởi sự tương đồng giữa họ, thường cùng truy cập những trang web giống nhau. Điều này tạo ra kết quả là những thông tin được chia sẻ từ các ràng buộc mạnh thường không có gì khác biệt. Những tương tác yếu của bạn truy cập và chia sẻ những thông tin từ các trang web bạn chưa biết, và bạn có được những thông tin mới mẻ hơn. Điều này đã được chỉ ra trong nghiên cứu về sự đa dạng của thông tin trên mạng xã hội do Đội Điều tra Dữ liệu của Facebook (Facebook Data Team) vừa thực hiện.



Việc có được càng nhiều mối ràng buộc yếu sẽ giúp chúng ta tiếp cận được nhiều thông tin mới hơn, và thông tin sẽ được lan truyền mạnh mẽ hơn trong mạng xã hội. Có một minh họa cũng nằm trong bài nghiên cứu của Facebook Data Team như sau:


"Một ví dụ giả định. Một người có liên lạc với 100 người bạn với ràng buộc yếu và 10 người bạn với ràng buộc mạnh. Giả sử khả năng rất cao rằng bạn sẽ chia sẻ điều gì đó cho những ràng buộc mạnh, 50% chẳng hạn, nhưng các mối ràng buộc yếu chỉ chia sẻ những thứ ít thú vị hay ít quan tâm hơn, và khả năng của việc chia sẻ chỉ là 15%. Khi đó, tổng lượng thông tin lan truyền đến các mối ràng buộc yếu và mạnh tương ứng sẽ là 100*0.15=15, và 10*0.5=5. Như vậy về tổng thể, mọi người có khả năng nhận các chia sẻ nhiều hơn từ các mối ràng buộc yếu của mình."



Ngoài ra bản thân mỗi cá nhân cũng là một nhân tố kích thích sự lan truyền thông tin. Nếu một cá nhân có càng nhiều ràng buộc hay liên hệ tới càng nhiều cá nhân khác, nó càng quan trọng trong mạng lưới và có khả năng kiểm soát luồng thông tin trên diện rộng hơn. Điều này đã được giáo sư Freeman đề cập trong lý thuyết về Sự tập trung hóa trong mạng lưới xã hội.



"Mối ràng buộc" trên những trang mạng xã hội

Thực sự Facebook, Twitter, Google đang xây dựng những trang mạng xã hội hỗ trợ tối đa việc trao đổi thông tin giữa các mối ràng buộc yếu, vì điều đó giúp mạng xã hội thực hiện được tối đa khả năng của nó trong việc lan truyền thông tin mới. Tuy nhiên cần phải nói lại về cái thực sự gọi là "mối ràng buộc yếu".

Nghiên cứu của Granovetter về Sức mạnh của những mối ràng buộc yếu được trích dẫn trong rất rất nhiều các nghiên cứu, bài viết sau khi nó ra đời và được coi là một trong những tài liệu về xã hội học có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Granovetter yêu cầu các mối ràng buộc yếu và mạnh phải thỏa mãn các tiêu chí như lượng thời gian, cường độ cảm xúc, mức độ thân mật (hay sự tin tưởng lẫn nhau), và những sự hỗ trợ qua lại. Tức là dù là một mối ràng buộc mạnh hay yếu, một đặc điểm quan trọng phải thỏa mãn là "sự tương tác". Không có sự tương tác không đủ hình thành một mối ràng buộc. Một người sẽ lập tức trở thành một mối ràng buộc yếu đối với bạn khi bạn chấp nhận lời đề nghị kết bạn của người đó trên Facebook sao? Không hề, nó vẫn chỉ là một mối ràng buộc vắng mặt cho đến khi bạn và người đó có những tương tác tiếp theo, sau tương tác "đề nghị - chấp nhận kết bạn" kia.

Valdis Krebs, một chuyên gia đầu ngành về Phân tích mạng xã hội (Social Network Analysis) đã nói về sự nhầm lẫn trong việc đánh giá một mối ràng buộc yếu theo quan điểm của Granovetter. Một mối ràng buộc yếu không phải sự quen biết thông thường, nó đã từng là một mối ràng buộc mạnh, với sự tin cậy và chia sẻ kiến thức. Nhiều nghiên cứu của Granovetter đều dựa vào những người đã từng thân thiết với nhau trước đây. Liên hệ với số Dunbar, những mối ràng buộc yếu trong nghiên cứu của Granovetter phải từng nằm trong nhóm clan, band hay có thể cả sympathy group. Một cách hiểu đơn giản nhưng chủ quan hơn, phải đủ sức mạnh để chúng ta cảm giác thực sự đó không phải một ràng buộc vắng mặt.





Sức mạnh từ những tương tác một chiều

Tiếp theo, bạn thường xuyên nhận được thông tin từ một người bạn kết bạn, thậm chí khá nhiều thông tin thú vị và mới mẻ, đã đủ để hình thành một mối ràng buộc hay chưa. Với một danh sách bạn bè lên đến 4 chữ số, người đó bây giờ thậm chí quên mất rằng đã từng gửi lời mời kết bạn cho bạn rồi. Vẫn chỉ là thứ liên kết một chiều, không có sự tương tác. Nhưng rõ ràng đó là những thông tin mới, được lan truyền theo cách mà các mối ràng buộc yếu tạo ra. Nghe có vẻ như có những lý thuyết sắp sụp đổ. Đừng phán xét vội, chúng ta cần phải liên hệ trở lại với thực tế.


"Bạn biết Bill Gates không?" "Biết chứ, mình hâm mộ ông ấy."

"Bạn biết Suju chứ?" "Trời ơi, tớ thần tượng các oppa, tớ sẵn sàng chết vì các oppa."

Nhưng Bill Gates hay các thành viên của nhóm nhạc Suju có biết đến bạn không? Đây được gọi là Parasocial Interaction (Tương tác một phía). Một ví dụ điển hình chính là mối quan hệ một chiều giữa người nổi tiếng và những người hâm mộ. Tại Mỹ vào nửa sau thế kỉ 20, sự phát triển của phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình giúp công chúng có cơ hội hơn để "tiếp xúc" với những người nổi tiếng thông qua màn ảnh nhỏ. Những người hâm mộ cảm thấy mình như đang được trực tiếp trò chuyện với thần tượng, khiến cho họ bị lầm tưởng rằng đó là những người bạn thực sự của mình. Lý thuyết về mối ràng buộc giữa các cá nhân không chấp nhận các mối quan hệ một chiều, khi yêu cầu mối liên hệ giữa 2 cá nhân phải là tương đương. Tức là nếu bạn coi một người khác là một ràng buộc mạnh thì người đó cũng coi bạn là một ràng buộc mạnh của họ.

Thạc sĩ Satoshi Kanazawa có đưa ra một đề xuất trong một bài viết của mình rằng việc xem truyền hình có thể đánh lừa những cảm nhận của con người về mạng xã hội. Một nghiên cứu chỉ ra việc xem truyền hình có các nhân vật được hâm mộ khiến mức độ thỏa mãn về tình bạn của mọi người tăng lên. Dunbar cũng khẳng định cần phải chứng mình con số giới hạn 150 trong trường hợp này. Hiện nay, với mạng Internet, những trang mạng xã hội như Facebook chính là phương tiện truyền thông kiểu mới, tạo cơ hội cho chúng ta trở thành những người như Bill Gates hay các thành viên Suju với chi phí thấp. Tức là những người có thể gây ra ảnh hưởng với người khác bằng những thông tin họ đưa ra trên mạng. Và tất nhiên có thể tạo ra hiệu ứng tương tác một phía, khiến nhiều người khác nghĩ rằng chúng ta đang thực sự có mối ràng buộc với họ. Sự phát triển của social media (truyền thông mạng xã hội) sẽ khiến những mối tương tác một chiều này sẽ ngày càng nhiều lên, và vai trò của các cá nhân trong việc lan truyền thông tin sẽ ngày càng được cải thiện và nâng cao.



Những trang mạng xã hội lớn tập trung vào việc lan truyền thông tin dường như cũng nhận thức được những tương tác kiểu này. Đó là lý do Twitter cho phép chúng ta follow (theo đuôi) các cá nhân khác chỉ bằng một click chuột. Hay Google+ với cơ chế Circle cho phép bạn theo dõi thông tin từ những người bạn quan tâm chỉ bằng cách đưa họ vào các vòng tròn kết nối. Ngay cả Facebook hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể nhận một số thông tin từ những người khác mà không cần phải yêu cầu kết bạn nữa, mà chỉ cần thông qua việc nhấn nút Subscribe (Theo dõi). Người dùng trên những trang mạng xã hội thực sự đang trở thành những kênh thông tin, giống như những phương tiện truyền thông như một trang báo hay một kênh truyền hình.

Rõ ràng, những trang mạng xã hội không hẳn chỉ đang phát triển việc lan truyền thông tin qua những mối ràng buộc yếu, chúng đang tận dụng tối đa những tương tác một phía được dựng lên bởi những người có khả năng truyền đi những nguồn thông tin mới lạ và thú vị tới rất nhiều người mà bản thân họ không hề quen biết. Đó chính là những người nổi tiếng đang tham gia sử dụng mạng xã hội, hay gần hơn với bạn, chính là những người bạn chỉ biết tên nhưng lại có những thông tin mới lạ mà bạn không thể bỏ qua mỗi lần truy cập.



Tạm kết



Chắc hẳn bạn đang thở phù vì cuối cùng cũng đọc được đến dòng này. Có lẽ tôi đã quá tham lam khi nhồi nhét hàng tá lý thuyết trong bài viết này. Nhưng chính bản thân tôi vẫn thấy chưa hài lòng vì không thể truyền tải được hết những điều tôi đã biết được trong những ngày qua. Việc sử dụng quá nhiều nguồn tài liệu (lại hầu hết là ngoại ngữ) khiến tôi gặp khó khăn trong việc tìm hiểu, tổng hợp, sắp xếp và móc nối các kiến thức với nhau. Cùng với đó, tôi thực sự thấy còn khá nhiều những lỗ hổng chưa giải quyết được trong bài viết. Tuy nhiên, tôi thực sự hi vọng bài viết này đem tới cho bạn nhiều điều thú vị, giúp bạn hiểu hơn về mạng xã hội và ngay cả chính những mối quan hệ trong cuộc sống của bạn.

Bao nhiêu "bạn bè" là đủ? Điều đó còn tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận và mong muốn gì ở những mối quan hệ và các tương tác bạn tạo ra trên những trang mạng xã hội. Nếu bạn chỉ mong muốn giữ gìn những mối quan hệ bạn bè thực sự, thì con số Dunbar là lựa chọn hợp lý nhất, đặc biệt là những người bạn trong nhóm trụ cột và nhóm hỗ trợ của bạn. Nếu bạn mong muốn có được nhiều nhất những thông tin có thể, hay muốn xây dựng tầm ảnh hưởng, thì hãy tạo dựng những mối ràng buộc bên ngoài phạm vi bạn bè thực sự. Bạn hoàn toàn có thể tìm được cho mình một công việc như ý, những thông tin mà bạn không bao giờ có được, và dĩ nhiên trở thành một người được nhiều người biết đến.

Nguồn tài liệu: Viết danh mục các nguồn tài liệu theo đúng quy cách hơi mất thời gian
nên tôi xin phép làm việc này sau khi có thời gian. Các tài liệu được sử
dụng để tham khảo và thực hiện bài viết được lưu lại tại đây.

No comments:

Post a Comment