Wednesday 5 December 2012

Flea Market, Chợ trời




Một người anh của tôi vừa rủ tôi tới tham gia một buổi "Flea Market" - Chợ trời với tên gọi cũng kêu kêu Mintown Hand-made Fair 14/10 – Melody of Autumn do đội của anh tổ chức.



Khoảng nửa năm trở lại đây, cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn, những buổi bán hàng kiểu này mọc lên như nấm từ Bắc chí Nam, tập trung vào bán các mặt hàng thủ công (DYI) hay các loại quần áo và thu hút kha khá bạn trẻ.



Nếu coi flea market - chợ trời là một nơi được lập một cách tự phát để mọi người tới trao đổi, buôn bán các mặt hàng trên trời dưới bể, thì có lẽ nguồn gốc của nó phải từ cái thời xa lắc xa lơ hàng đổi hàng. Còn bây giờ thì những buổi "flea market" như thế kia ở Việt Nam đã được những nhà tổ chức biến tấu một chút cho hợp với thời hiện tại và những bạn trẻ thích quần áo và đồ thủ công.



Chắc có người đang nghĩ không hiểu sao tôi tự dưng viết linh tinh về loại hình này làm gì. Thực ra thì tôi không quan tâm lắm đến chuyện chiêm ngưỡng và mua về những món đồ bày bán trong những buổi như vậy. Tôi chỉ đang tự hỏi nguồn gốc của thuật ngữ "flea market", rồi "chợ trời"? "Flea market" khá khó hiểu khi dịch nôm na theo tiếng Việt là Chợ Bọ Chét, còn "chợ trời" hay "chợ giời" thì chắc vì bán hàng ở ngoài trời chăng?



Về thuật ngữ tiếng Anh, nguồn gốc có vẻ đáng tin cậy nhất lại là từ chính ngôn ngữ mà tôi đang theo học - Tiếng Pháp. "Flea Market" được dịch lại từ cụm từ "Marché aux Puces" - tạm dịch "chợ bán bọ chét", tên một khu chợ ngoài trời ở ngoại ô Paris những năm 60 của thế kỉ XIX. Lý do đưa hình tượng bọ chét vào là bởi lớp vải bọc những món hàng nội thất cũ được đưa ra bày bán đã bị những con vật nhỏ bé này phá hoại.



Còn từ "chợ trời" trong tiếng Việt thậm chí còn xuất hiện từ thời điểm trước đó. Chí ít theo tôi tìm được, một bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (sống vào nửa sau thế kỉ 18, nữa đầu thế kỉ 19) có tên gọi Chợ Trời Chùa Thầy: "Hoá công xây đắp đã bao đời, Nọ cảnh Sài Sơn có chợ Trời."



Một câu chuyện khác liên quan đến chợ Hòa Bình, Hà Nội, được lập ra những năm 1954 -1955 nhằm phục vụ nhu cầu bán lại đồ cũ của các gia đình di cư vào Nam sau Hiệp định Genève (Cuộc di cư này không được học trong chương trình phổ thông, nhưng bạn có thể tìm hiểu một chút trên Wikipedia). Vào những năm bao cấp (1975 - 1986), những người dân ở đây bắt đầu gọi khu chợ này với cái tên dân dã là chợ Giời, ám chỉ việc mua những món hàng không tem phiếu, ngoài luồng, thậm chí cả hàng ăn cắp ở khu vực vỉa hè ngoài trời, không có mái che.



Có thể nhận ra một đặc điểm chung ở đây, chúng đều là những từ chỉ những địa danh cụ thể, lâu dần lại trở thành những danh từ chung chỉ những nơi tương tự.



Quay trở lại một chút với buổi chợ trời mà tôi nhắc đến ở đầu bài viết. Trong thời đại mà siêu thị hay những cửa hàng hiện đại đã trở nên phổ biến, hay thậm chí chỉ cần ngồi nhà click chuột cũng có thể mua được một món hàng, thì thỉnh thoảng hòa mình vào không gian dân dã và ồn ã của một buổi chợ trời cũng không hẳn là một ý kiến tồi.



Chắc bạn cũng nên dành chút thời gian cuối tuần của mình tới thử xem sao.

No comments:

Post a Comment