Wednesday, 5 December 2012

Bài ngoại



Người Việt rất sính ngoại. Như mẹ tôi, mấy năm gần đây rất thích đồ Hàn Quốc. Từ chăn bông, đồ điện tử, trà sâm cho tới cái khăn tắm, kem đánh răng, bàn chải đánh răng. Và tất nhiên là phim Hàn Quốc nữa. Cũng may giờ tôi sống một mình rồi, chứ không một thằng anti Hàn như tôi sẽ không thể chịu đựng nổi việc bước xuống bếp, bật ti vi hay vào nhà tắm. Lý do chính có tâm lý tiêu dùng này có lẽ cũng khá dễ hiểu. Hàng ngoại, đồng nghĩa với xịn, với đẳng cấp (dĩ nhiên trừ thứ hàng phế phẩm của Trung Quốc đang tràn lan). Gần như một câu tục ngữ truyền lại từ ngàn xưa "Bụt chùa nhà không thiêng."





Nhưng người Việt, với truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc, lại luôn sẵn trong mình một thứ tâm lý trái ngược - BÀI NGOẠI. Ở đây, hãy hiểu bài ngoại là sự không chấp nhận các yếu tố bên ngoài xâm nhập và tác động. Trở lại với hàng hóa Trung Quốc. Nếu không có yếu tố thẩm mĩ và giá thành, hoặc bị bắt buộc hay không nhận thức được mình đang dùng hàng Trung Quốc, thì mấy người mua hàng Trung Quốc? Đây là một yếu tố mang tính lịch sử. Người Việt rất ghét Trung Quốc. Hàng ngàn năm lịch sử bị chèn ép, lăm le, gây hấn, giết chóc,..., đừng bao giờ nói được tới hai chữ bằng hữu hay bạn bè. Con nhím sẽ không bao giờ cụp những chiếc gai lưng sắc nhọn đến khi nào những mối nguy hiểm cận kề biến mất. Những ông có máu nóng trong người, sau khi nghe tin tức về Biển Đông, hay biên giới, sẵn sàng cầm dao ra đâm một anh Trung Quốc với thái độ tưng hửng, lượn lờ xuất hiện ở Việt Nam.



Thái độ này dường như không xảy ra với những kẻ thù cũ khác như Mỹ, hay là Pháp. Người Việt nhận thức được một thái độ an hòa hơn từ những quốc gia này. Tức là con nhím cảm thấy mình đã được an toàn. Nguồn gốc của sự khác biệt này, chính là "bản năng sinh tồn". Không bao giờ được phép dừng nghi ngờ với những kẻ bị coi là kẻ thù. Rào cản sẽ chỉ biến mất hoặc tạm thời bị loại bỏ khi cảm giác tin tưởng và an toàn xuất hiện.



Tuy vậy, sự BÀI NGOẠI bị đẩy lên quá cao và hình thành sự cực đoan. Nhiều người không thể chấp nhận những thứ trong mắt họ được coi là lai căng. Đã là Việt, thì phải thuần Việt. Phim dã sử Việt, truyện tranh lịch sử Việt bị đánh tơi bời vì bắt chước "người bạn" láng giềng. Bộ phim điện ảnh gần đây của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ nằm trong trường hợp đó. Mặc dù đã cố gắng lựa chọn bối cảnh, trang phục, ông vẫn bị soi xét từng tí một. Hay như một bộ hình các anh hùng lịch sử Việt Nam gần đây bị báo chí lôi ra mổ xẻ về chất Việt, từ ngoại hình cho tới trang phục.



Họ dường như không nhận thức được sự mâu thuẫn đáng kể. Trong những câu nói hàng ngày của họ, từ thuần Việt chỉ chiếm khoảng 20, 30%. Tại sao họ không cảm thấy chính mình đang lai căng? Lý do đơn giản nhất, vì đối với họ, đó không phải là sự lai căng nữa. Hàng ngàn năm Bắc thuộc, ngôn ngữ của chúng ta bị thay đổi rất đáng kể. Tôi tin chắc sự bài ngoại khi ấy diễn ra kinh khủng hơn nhiều. Nhưng chúng ta có cách riêng của mình để giữ gìn chất Việt. Chúng ta biến đổi, chúng ta chắt lọc những gì không phản lại văn hóa, truyền thống dân tộc. Dần dần theo thời gian, những yêu tố ngoại lai được Việt hóa, trở thành một phần của dòng chảy dân tộc.



Bài ngoại xảy ra là một phản xạ của "bản năng sinh tồn". Nhưng sâu xa hơn chính là "nỗi sợ hãi". Hãy thử tưởng tượng một ngày bạn bước ra đường và thấy xung quanh mình toàn những cô gái mặc áo xường xám và nói tiếng Trung Quốc. Bạn sẽ cảm thấy mình như thể sống trong một đất nước khác, một thế giới khác. Đó là một dạng của sốc văn hóa. Những điều chúng ta thấy hôm nay, rất có thể là mầm mống của một sự đồng hóa. Và như một cơ chế miễn dịch tự nhiên, sẽ có những người đứng lên phản đối, trù dập để bảo vệ cơ chế ổn định hiện thời.



Sự cản trở mang tính lịch sử này sẽ khiến chúng ta đi rất chậm. Trong số nhiều người đang nồng nhiệt cổ súy cho sự thuần Việt kia, có bao nhiêu thực sự hiểu thế nào là chất Việt Nam? Họ nhìn quần áo, đầu tóc, nhà cửa và hét rống lên: "Sao giống trong mấy bộ phim dã sử Trung Hoa thế nhỉ?" Họ đã quên mất một điều rằng, họ không hề có chút hiểu biết nào về lịch sử dân tộc, họ chưa từng tưởng tượng ra một xã hội Đại Việt cách đây một ngàn năm nó trông như thế nào. Họ chỉ có một "ám thị" mơ hồ về cái gọi là chất Việt thể hiện qua thứ ngôn ngữ hơn hai phần ba là có nguồn gốc bên ngoài. Đó là những con người bài ngoại nửa mùa!



Mặc dù tôi ghét nhưng tôi vẫn phải cảm tạ những người đang đấu tranh cho sự thuần Việt, cho dù họ có là những kẻ bài ngoại nửa mùa chăng nữa. Mâu thuẫn là yếu tố không thể thiếu của sự phát triển, mọi thứ cần được đặt dưới nhiều góc nhìn. Tuy vậy, không có nghĩa là tôi chấp nhận những câu phê bình mang tính chất "ném đá" và thiếu hiểu biết. Ai trong số chúng ta chẳng muốn xem những thứ mà ngay khi đập vào mắt đã phải thốt lên rằng: "Việt Nam". Nhưng trước hết, phải biết Việt Nam thực sự là gì đã.

No comments:

Post a Comment