Chùa Láng |
Có lẽ cả tháng nay ở Hà Nội tôi không ghé vào quán chị ngồi. Quán nước tôi ngồi mỗi ngày khi năm nhất, chém gió với thằng bạn và gọi cho mỗi đứa một nhân trần và một bánh mỳ chả ruốc.
Từ chỗ làm về, tôi vòng qua mua cái bánh mỳ rồi tìm chỗ ngồi đợi hai anh giai khác tới rủ đi uống nước. Lúc ấy chị bán bánh mỳ đã về nhà (hai người là chị em ruột). Cũng may, chị ấy mà vẫn ngồi đấy là sẽ hỏi sao dạo này không mua bánh cho chị, mà tay tôi lại còn đang cầm bánh mỳ mua ở hàng khác.
Tôi chưa kịp gọi gì, gặm mấy miếng bánh mỳ thì chị đã rót sẵn nhân trần đá cho tôi rồi. Khách quen kể cũng có lợi, chị bảo có đứa ra trường cả chục năm chị vẫn nhớ tên nhớ mặt, thỉnh thoảng vẫn ghé qua quán chị uống nước.
Chị kể rằng đã mở hàng nước ở phố Chùa Láng này từ cái thuở xa lắc xa lơ. Mà có lẽ khi ấy cũng không thể gọi đây là một con phố như bây giờ. Xung quanh chẳng có nhà cửa, chỉ toàn là đất và ruộng. Cái hồ quan hệ khi ấy rộng hơn, nhưng trông chỉ như một cái ao làng. Con đường đất khi ấy đến hai xe máy đi ngược chiều còn phải dừng lại nhường nhau.
Rồi đến khi cái cơ quan đối diện cổng trường xuất hiện, nơi chị đang ngồi bán nước. Nghe chị kể thì là tham tán của Nga, cấp visa hộ chiếu này nọ. Con đường đất được mở rộng, đổ đá rồi bê tông. Hồ quan hệ cũng được kè kiếc trông khang trang hơn hẳn. Rồi đến khi đường Nguyễn Chí Thanh được mở rộng, khách sạn Bảo Sơn rồi đủ thứ hiện đại khác mọc lên, con đường Chùa Láng bỗng trở nên tấp nập, nhộn nhịp.
Cái thời xa xưa ấy, chị còn phải gọi những lứa sinh viên năm cuối thuộc những thế hệ K30 bằng anh bằng chị. Lứa sinh viên khi ấy phải thi đề riêng của trường, điểm tầm 18, 19 là cũng có thể đỗ vì đề khó. Có người còn đỗ tận 4, 5 trường. Chương trình học khi ấy cũng nặng hơn khi kéo dài suốt 5 năm trời. Sau hai năm đầu tiên còn phải thi vượt rào, nếu không qua là phải ngừng học, khăn gói về quê.. Phòng tự học chỗ VJCC bây giờ mùa thi lúc nào cũng không thiếu sinh viên với khí thế học tập cao độ. Nghe mà cũng quay mặt cười cười kiểu xấu hổ, xong cũng nghẹn ngào.
Qua thời gian và những thay đổi, những thứ xem chừng rất đỗi bình thường cũng trở nên thật quá đỗi kì lạ và khó tưởng tượng nổi. Nghe lại những chuyện xưa cũ, cảm giác như mình giống một đứa con nít nghe truyện cổ tích, mà cũng chẳng phải vì nó không được thần tiên như thế. Có lẽ giống kiểu tiểu thuyết chương hồi hoặc đang xem phim truyền hình dài tập.
Không biết, suốt từ cái lúc tôi còn đang bi bô cho đến tận bây giờ, chị vẫn hàng ngày rót những cốc trà đá, nhân trần ấy vì mưu sinh đơn thuần hay như một thói quen khó bỏ, một thứ giống như một cái nghiệp hay định mệnh, nhiều hơn. Tôi nghĩ chị vẫn muốn có một cuộc sống sung túc và làm những công việc khác nữa chứ nhỉ? Hay tại tôi luôn định kiến và suy nghĩ theo hướng một thằng sinh viên đầu rỗng tuyếch tìm kiếm những thứ trải nghiệm giời ơi đất hỡi?
Nhưng cứ thử nghĩ nếu chị không bán nước nữa thì sẽ làm gì nhỉ? Tôi nghĩ chị cũng đang lo lắng điều đó, vì tôi vẫn nhớ một câu chị chêm vào khi kể câu chuyện của ngày xưa, và nó cũng khiến tôi bật cười: “Mà khi ấy không có công an đuổi.”
No comments:
Post a Comment