Wednesday, 5 December 2012
Cà phê sữa đá
Cuộc sống đúng là một chuỗi những sự tình cờ.
Hôm qua suy nghĩ vẩn vơ, giữa đêm ngồi đọc về định nghĩa hoạt động và tinh thần tình nguyện rồi lại đến xã hội dân sự. Hôm nay tự dưng có vài sự liên quan nên đọc lại bài chia sẻ mình viết hôm đi nghe thuyết trình về tinh thần cộng đồng Nhật Bản trong thảm họa.
Hứng chí lên wiki đọc tiếp về văn hóa, cộng đồng người Việt Nam xem như thế nào. Đang lướt qua bài viết tự nhiên thấy dòng chữ "Cà phê sữa đá" trong phần Ẩm thực. Vậy là lại quay ngoắt 180 độ tìm hiểu về cà phê.
Hóa ra cà phê sữa đá mình hay uống có nguồn gốc ở chính Việt Nam, trong thời kì thực dân Pháp cai trị. Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, khi người Pháp đưa cà phê vào Việt Nam, họ cũng đem theo văn hóa cà phê của mình. Cà phê là điểm hẹn gặp gỡ và nhâm nhi trong thời gian nhàn rỗi, chờ đợi những những giọt cà phê rang màu đen thuần khiết tí tách nhỏ xuống cốc thủy tinh từ chiếc phin kim loại.
Bây giờ có lẽ chỉ một số ít nước còn dùng phin để pha cà phê như ở Việt Nam. Cách pha được cho là được du nhập bởi tiết kiệm thời gian, chẳng cầu kì, chẳng cần kĩ thuật cao. Và rang ca phê bằng chảo kiểu Việt Nam thì làm mất hết hương vị.
Một câu chuyện khác. Người Pháp uống cà phê với sữa tươi. Nhưng dường như khó có thể thưởng thức trải nghiệm đó ở một đất nước chưa từng có thói quen uống sữa hàng ngày này. Sữa tươi được thay thế bằng sữa đặc với thời gian bảo quản lâu hơn. Chúng ta phải thực sự cảm ơn phát minh tuyệt vời của Gail Borden, một người Mỹ chuyển sang chắt lấy cốt sữa bò vì không ai hưởng ứng món bánh qui thịt bò của mình. Và thế là, cà phê sữa phong cách Việt Nam ra đời.
Rồi những người Mỹ gốc Việt đem thức uống này tới Mỹ, đưa thêm vào đó rau diếp xoăn chicory. Với một thương hiệu nổi tiếng là Cafe du monde từ bang New Orleans, cà phê sữa Việt Nam trở thành một hiện tượng và rất nhiều người Mỹ nghĩ rằng ca phê Việt Nam luôn phải có rau diếp xoăn. Nhưng tất nhiên, ở Việt Nam chẳng có ai cho rau vào cà phê cả.
Chuyện buồn cười nhất khi tìm hiểu về cà phê sữa đá trên mạng, đó là tài liệu tiếng Anh còn nhiều và chi tiết hơn tiếng Việt. Nhưng thực ra nghĩ lại thì cũng dễ hiểu, nhất là với tôi, một người Việt Nam hàng tuần đều đi cà phê và gọi nâu còn chẳng để ý nguồn gốc Việt Nam của nó.
Đọc thêm nhé, nhiều cái hay ho phết :))
Coffee: Vietnam Style
Francis Lam - Where the bitter turns sweet: Vietnamese coffee
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment