Những điều tôi viết dưới đây thực ra cũng chẳng phải là những điều tôi thực sự viết. Hay nói cách khác, nó là một dạng đạo lại những bài viết tôi vừa tìm đọc được và bạn có thể tìm thấy chúng ở những đường dẫn ở cuối cái cập nhật trạng thái dài lê thê này.
Đầu tháng tám, thấy nhiều người nhắc lại câu hát này. Tôi cũng định vậy nhưng lại thôi vì không muốn bỗng dưng trở thành kẻ bắt chước.
"Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?"
Nghe Có phải em mùa thu Hà Nội qua giọng của Hồng Nhung hay nhiều ca sĩ khác, tôi vẫn nhầm lẫn một từ rất quan trọng trong câu hát, "khởi vàng" thành "rơi vàng". Nhà thơ Tô Như Châu khi viết bài thơ này đầu năm 1970, cũng chính vào những ngày tháng tám. Hè vừa qua, thu mới chớm. Sự thay đổi của tiết trời lúc ấy chỉ đủ khiến những chiếc lá trên những tán cây đổ sang màu vàng óng. Vì lẽ ấy, ông mới dùng chữ "khởi" - bắt đầu, chứ không phải "rơi".
Trong bài thơ còn có câu: "Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm ". Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên Tô Như Châu đưa tiếng đàn piano vào một ca khúc trữ tình mà rất đỗi hào hùng như vậy. Có giai thoại kể rằng giữa lúc bom đạn chiến tranh, thi sĩ khi ấy ở Đà Nẵng tình cờ gặp được một thiếu nữ Hà Nội xóa tóc thề bên chiếc đàn dương cầm. Rồi chính vẻ đẹp của cô gái, của tiếng đàn thánh thót đã khơi dậy những trang sử hào hùng của "hồn Trưng Vương sông Hát" hay "Quang Trung vó ngựa biên thùy". Tôi thì vẫn ngờ ngợ về tính xác thực của giai thoại này. Nhưng cũng có thể tại tâm hồn thô kệch của tôi chẳng bao giờ nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc đến thế, và vậy nên khó mà đặt mình vào tâm hồn của một thi sĩ.
Một câu chuyện khác cũng khá đặc biệt về bài thơ sau khi nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc cho nó vào năm 1972. Bài hát đã có mặt trong một băng nhạc miền Nam nhưng phải đến đầu những năm 90 mới bắt đầu trở nên phổ biến qua giọng hát của Hồng Nhung, Thu Phương. Cũng khi ấy, Tô Như Châu bắt đầu công việc phát báo trên chiếc xe đạp cũ kĩ của mình. Bài hát được phổ thơ ông giờ được phát đi phát lại trên phố, tạo niềm cảm hứng để ông sáng tác bài thơ "Đi bỏ báo nghe thơ phổ nhạc" với những câu thơ rất thú vị:
“Có phải em Mùa thu Hà Nội
Mùa thu trong veo mùa thu tuyệt vời
Sống đẹp âm thầm và khát vọng
Bỏ báo đọc thơ nghe nhạc đã đời”
Nhưng niềm vui sướng của Tô Như Châu bỗng quay ngoắt 180 độ khi ông phát hiện ra ca khúc được Trần Quang Lộc phổ nhạc gần như không hề có thông tin tên tác giả bài thơ gốc. Trần Quang Lộc ban đầu lấp liếm, giả vờ như không biết Tô Như Châu là ai. Nhưng rồi với những bằng chứng xác đáng, cuối cùng cái tên Tô Như Châu cũng được ở vị trí xứng đáng của nó. Tuy nhiên thật buồn vì ông không được nhận nhuận bút bản quyền như đã hứa cho tới tận lúc qua đời vì bạo bệnh năm 2002.
Tuy vậy, đó vẫn chưa phải là điều bất ngờ nhất. Tô Như Châu lẫn Trần Quang Lộc, hai con người sinh ra tại mảnh đất miền Trung Đà Nẵng và Quảng Trị, lại chưa từng có dịp đặt chân tới Hà Nội khi tạo ra bài thơ và ca khúc bất hủ này, cho tới tận bây giờ.
http://www.thivien.net/
http://www.anninhthudo.vn/
http://quannhac.net/tan-man/
http://
No comments:
Post a Comment