Wednesday, 5 December 2012
Vì sao người ta lại yêu nhau?
Mấy chuyện xảy ra gần đây khiến tôi muốn động bút viết về điều này, dù vẫn còn hai ba đề tài khác. Đó đều là những đề tài tôi cảm giác chưa đủ lực, và ngay cả những gì sắp viết ra tôi cũng cảm giác chưa thực sự tự tin. Một phần cũng tại chưa thực sự trải qua một cuộc tình đôi phương nào cả, cảm giác những điều mình viết ra sẽ ngốc nghếch và nhạt toẹt. Nhưng thôi kệ, đây là những điều tôi muốn viết.
Câu hỏi này tôi đặt ra cũng lâu lâu rồi. Cũng đã quan sát và tự trải nghiệm. Hôm nọ, một người bạn của tôi có đưa ra câu hỏi này trong một bối cảnh hơi khác một chút, nhưng nó cũng khiến tôi tiếp tục suy nghĩ. Nhiều người bảo, rồi phim ảnh, tiểu thuyết khiến nhiều người cho rằng, tình yêu là một thứ gì đó rất bí ẩn, rằng động lực để đem hai con người đến với nhau là một thứ gì đó không thể lý giải bằng lời. Tôi thì nghĩ cái gì cũng có thể giải thích được, bằng cách này hay cách khác.
Những nhà khoa học đã đưa ra khá nhiều cách lý giải, từ phương diện sinh học, tâm lý học, xã hội học,... Tình yêu bỗng chốc trở thành sự thay đổi của nồng độ các loại hooc-môn hay những sự kết hợp trùng khớp trong tính cách. Tôi thích tâm lý học và muốn lý giải thứ gọi là tình yêu theo hướng ấy.
Hai mươi năm cuộc đời cũng đem lại cho tôi kha khá trải nghiệm. Thậm chí từ khi lên đại học tôi cảm giác mình có vẻ buông thả tâm trí hơn nên có "cảm xúc đặc biệt" với tận ba bốn cô gái. Trước đây tôi cũng nghĩ là, khi mình đã trao tình cảm cho một ai đấy, sẽ là rất khó khăn để có được cảm xúc tương tự với một người khác. Cũng có thể bởi tôi nghĩ rằng tình yêu đồng nghĩa với sự chung thủy, trước sau như một. Bây giờ thì khác, sự chung thủy giới hạn ở việc trong một khoảng thời gian nhất định, tôi dành trọn cảm xúc và tình cảm của mình cho một người. Và thậm chí, sự chung thủy nhanh chóng bị thay đổi với chu kì ngày một nhanh - khi tôi cảm thấy đó là một mối tình đơn phương bất khả thi và bắt gặp một người tương tự. (Có lẽ tôi quá may mắn hoặc tôi quá dễ yêu.(cười) )
Tôi lại bị lan man như mọi khi, nhanh chóng quay trở lại vấn đề chính. "Vì sao người ta lại yêu nhau?" Tôi đã nghĩ khá nhiều và có đọc một vài tài liệu để kiểm chứng. Và tôi nhận thấy, gần như tất cả nằm trọn trong hai từ "tương đồng" và "thiếu thốn".
Người ta có xu hướng tìm kiếm những người phù hợp với những tiêu chí mình đặt ra. Chắc hẳn cũng không quá khó để bạn thấy một người đưa ra những tiêu chuẩn chọn người yêu của mình. Một cô gái thích một chàng trai cao to, mạnh mẽ, có chí tiến thủ, một người khiến cho cô ấy cảm thấy an toàn.
Nhưng đừng đánh đồng mọi tiêu chí. Những tiêu chí chọn chồng thực dụng không đem lại thứ gọi là tình yêu thực sự. Tình yêu xuất phát nhiều hơn từ những thứ gọi là bản năng, tiềm thức. Đó là những trải nghiệm trong quá khứ, niềm tin, những kỉ niệm, đặc điểm hằn sâu trong tâm trí mà chúng ta thường không nhận ra. Một cô gái rất yêu quý người cha của mình hoàn toàn có thể phải lòng một chàng trai có ngoại hình, tính cách hay đơn giản chỉ là cách đưa tay, di chuyển giống ông.
Tình yêu cũng có thể xuất phát từ sự đồng điệu từ vẻ bề ngoài cho đến tính cách, hành động, cách nói chuyện, cư xử. Những người có chung sở thích, mối quan tâm thường dễ nói chuyện và "cảm" nhau hơn. Những người có những đặc điểm đối chọi, đi ngược lại so với hệ thống giá trị của bản thân thường khó có cảm giác với nhau. Cái này thì bản thân tôi đã tự kiểm chứng.
Tôi vừa nói về những sự tương đồng khiến người ta có thể yêu nhau. Đó có thể là sự tương đồng trong các tiêu chí mà người đó đặt ra, và cũng có thể là những sự tương đồng vốn có của bản thân mỗi người. Nhưng sự thiếu thốn với tôi mới tạo ra quyết định. Thậm chí, sự "thiếu thốn" ảnh hưởng và tạo ra cái gọi là "sự tương đồng" vừa kể đến.
Bản thân chúng ta là những người không hoàn hảo. Những con người không hoàn hảo kiếm tìm nửa kia của mình giống như đang kiếm tìm sự hoàn hảo. Như bản thân tôi là một kẻ tự nhận thức được mình là một kẻ xấu trai và nhút nhát. Và một động lực vô hình khiến tôi dâng trào cảm xúc khi gặp một cô gái có ngoại hình ưa nhìn và sự tự tin. Ưa nhìn và tự tin không phải là những đặc điểm đối chọi, đi ngược lại hệ thống giá trị của tôi. Đó là những ước mơ, mong muốn của bản thân tôi luôn khao khát.
Sự thiếu thốn cũng có thể bắt nguồn từ một nỗi đau hay sự thất bại trong quá khứ. Chúng ta hoàn toàn có thể phải lòng một người có tính cách, giọng nói giống với người yêu cũ, hay xuất hiện tình yêu sét đánh với những người có những đặc điểm giống với những đối tượng chúng ta đã theo đuổi nhưng không có kết quả. Những đặc điểm đó có thể rất cụ thể, rõ ràng, nhưng cũng có thể rất nhỏ nhắn và tinh tế. Đó là những trải nghiệm nằm trong tiềm thức và dâng lên hữu thức ngay khi đối tượng đó xuất hiện và khiến ta mất năng lực kiểm soát. Như là một ánh nhìn, một nụ cười, thậm chí sét có thể đánh khi người đó có cùng kiểu tóc hay mặc chiếc áo giống với người cũ.
Tôi vừa nói đến tình yêu sét đánh. Nhiều người không tin tưởng nhưng tôi tin điều ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là khi chúng ta gặp được đúng đối tượng phù hợp với tiêu chí "tương đồng" và "thiếu thốn" kia. Không nhất thiết phải có đầy đủ tất cả, chỉ cần một tới một vài yếu tố đủ để gây ra cảm xúc mạnh. Yếu tố đồng điệu khi tiếp xúc, trò chuyện dĩ nhiên là quan trọng, nhưng chúng ta có cảm giác yêu sau một khoảng thời gian tương đối ngắn, và nó tới từ những yếu tố không phải lời nói.
Một trường hợp khác cũng khiến nhiều người trăn trở, hai người bạn thân liệu có thể trở thành một tình yêu được không? Một người bạn của tôi đã từng nói: "Giữa nam và nữ không có thứ gọi là tình bạn. Nếu không phải tình yêu thì nó cũng là một thứ tình nào đó khác.". Cũng có một tài liệu tôi đọc được nói rằng, khi đã trở thành bạn thân, bạn đã đi một nửa chặng đường để đến với tình yêu. Khi là bạn thân, hai người biết rất nhiều về nhau, sở thích, những kỉ niệm trong quá khứ, dễ dàng chia sẻ cho nhau những vui buồn. Thực sự lúc ấy hai người chỉ cách tình yêu một thứ gọi là "rào cản tâm lý", một bản năng tự vệ nhằm chống đỡ sự đổ vỡ của một thứ tình bạn đã phải cất công gây dựng trong suốt thời gian dài.
Trở lại một chút với điều tôi đã lan man ở phần đầu bài viết này. Liệu chúng ta có thể yêu thực sự một lần nữa trong đời sau khi trải qua thất bại hay đổ vỡ một cuộc tình. Tôi mới chỉ trải nghiệm những cuộc tình đơn phương, cũng chưa từng chứng kiến cảnh cô gái tôi yêu tay trong tay với một chàng trai khác nên nói chắc sẽ có vẻ hơi sáo.
Hãy tưởng tượng tình cảnh của một chàng trai sau khi đã yêu một cách say đắm và bỗng chốc, cô gái đòi chia tay hay bị mắc bệnh hiểm nghèo hay bị tai nạn nên qua đời. Sự "thiếu thốn" vốn đang được bù đắp một cách hoàn hảo bỗng chốc bị dập tắt. Sự quan tâm, tình cảm của chàng trai đang dành trọn giống như một người đứng trên xe buýt bị ngã khụy do quán tính khi chiếc xe phanh gấp. Chàng trai bắt đầu suy sụp, nghĩ rằng cả đời sẽ không bao giờ gặp được cô gái nào như thế nữa. Chàng bắt đầu bỏ ăn, uống rượu cho quên sầu, bạn bè gia đình khuyên ngăn thế nào cũng không được.
Nhưng như những gì tôi đã cố gắng viết ra từ đầu đến giờ. Cảm giác yêu xảy ra hoàn toàn có quy luật khi đáp ứng được những điều kiện. Đó không phải thứ gì đó bí ẩn, mơ hồ, không nguyên tắc. Trên đời này có hàng tá những người đáp ứng những tiêu chuẩn tương đồng và thiếu thốn. Như tôi vẫn gặp những cô gái xinh xắn, ưa nhìn và tự tin hàng ngày mỗi khi bước ra đường. Thứ duy nhất đang kiềm chế một câu chuyện tình mới chỉ là rào cản tâm lý, một nỗi sợ hãi khi đối mặt với một sự thay đổi lớn.
Tình yêu không phải sự ngẫu nhiên. Hai người gặp được nhau mới có thể là sự ngẫu nhiên, hay tôi muốn gọi nó bằng một từ kêu hơn là "cái duyên". Tôi thì thấy mình khá có duyên khi gặp được nhiều người khiến tôi thấy "tương đồng" và "thiếu thốn". Giá mà tự tin lên một tí.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment