Wednesday, 5 December 2012
Giọng địa phương
Hôm qua tôi có đi ăn xôi Yến ở Nguyễn Hữu Huân. Giọng nói nặng và hơi chua của chị phục vụ khơi dậy một thói quen trong tôi. Từ khi lên Hà Nội, tôi bắt đầu được tiếp xúc, nói chuyện với những người ở các tỉnh khác. Ấn tượng về giọng nói với sắc thái khác biệt khiến tôi luôn cố đoán họ tới từ đâu khi bắt đầu một cuộc đối thoại.
Tôi có quen một vài bạn Nghệ An. Giọng miền Trung khá khó nghe với người Bắc nên họ thường tập nói hai giọng cùng lúc. Trong một vài lần nói chuyện, họ nói với nhau bằng giọng nói quê hương và ngay khi quay mặt sang phía tôi họ lại chuyển sang giọng Bắc khá chuẩn. Khả năng ngôn ngữ của họ khiến tôi thấy nể. Một vài người khác quê ở Hà Tĩnh lại khác. Họ cũng cố gắng tập nói giọng Bắc. Nhưng đó là một chất giọng vẫn phảng phất chất quê và người khác vẫn có thể dễ dàng nhận ra được.
Xa xôi hơn, tôi có quen một bạn tới từ Phú Yên. Chất giọng của vùng đất Nam Trung Bộ này thật kì lạ. Mấy lần tôi bảo cậu ta tập nói giọng Bắc đi nhưng câu ta không chịu, mà tôi cũng nghĩ là khó mà tập nổi. Tôi mất đến cả tháng trời để có thể nghe hiểu được. Sự ám ảnh dâng lên khiến tôi còn bắt đầu tập nói theo và cũng thu được một số thành quả nhất định. Tôi nói nhiều đến nỗi đôi khi quên mất cả giọng Bắc. Nhắc lại chuyện này tôi lại càng thấy khâm phục khả năng của những bạn Nghệ An.
Hà Nội với vị thế địa chính trị, nghiễm nhiên được coi là giọng chuẩn cho đất nước. Nếu xét về mặt ngữ âm học, giọng Hà Nội hay giọng Bắc không hề đầy đủ. Những phụ âm d-gi-r, ch-tr được đồng nhất và không có sự khác biệt đáng kể nào khi họ nói chuyện. Nếu như không cố ý nhấn mạnh, khó mà có thể phân biệt giữa hai từ "chân trâu" và "trân châu". Về mặt này, giọng Nghệ An hay Hà Tĩnh chuẩn hơn rất nhiều.
Làm việc tại môi trường như Hà Nội, có kha khá lý do khiến chúng ta cố gắng nói được giọng chuẩn. Một ví dụ điển hình đó là các công việc đặc thù như phát thanh viên, MC, thuyết minh phim,... Phục vụ nhu cầu của đại đa số người dân, việc nói được giọng chuẩn gần như là yếu tố tiên quyết. Một cô em gái tôi biết, khi bắt đầu công việc phát thanh, đã phải luyện nói suốt một thời gian dài để sửa việc nói âm e thành ia. Trong ngôn ngữ học, người ta gọi đây là hiện tượng ngạc hóa, và khá khó sửa. Nghĩ cũng tội, đôi lúc tôi nghĩ được nghe giọng ở một tỉnh khác trên đài quốc gia thật thú vị, mới mẻ. Tiếc là ít có người được may mắn chư chị BTV Thời sự Hoài Anh, khi sở hữu một giọng nói miền Nam thật nồng ấm và ngọt ngào.
Nói giọng chuẩn trong một số trường hợp, đơn giản để giấu đi chất quê mùa. Có thể họ chẳng ghét bỏ gì quê hương mình, nhưng họ có vẻ cảm thấy hơi xấu hổ khi phô diễn chất giọng đó giữa xung quanh là những người với giọng nói chuẩn. Thực ra, đối với những nơi gặp phải lỗi nói ngọng lờ cao nờ thấp thì tôi rất ủng hộ, nhưng tôi thấy thật mệt mỏi khi một số người giọng nói cũng chẳng quá "phô" nhưng cứ cố phải nói sao cho phải giống người Hà Nội.
Một cậu Nghệ An bảo tôi ở nhà có câu "Giết cha không bằng pha tiếng". Tôi nghĩ cái phép tắc ấy là một động lực để người ở đây khi ra Bắc cố gắng nói được hai giọng. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện trao đổi, giọng Bắc sẽ tiết kiệm cho họ nhiều thờii gian khi đối thoại với một người Bắc. Họ tôn trọng và giữ gìn tiếng nói quê hương, nói nó bất kì lúc nào khi có cơ hội. Đổi giọng là một cái tội lớn, giống như cắt đứt một sợi dây liên kết giữa họ và gia đình, vùng đất họ sinh ra và lớn lên.
Có một thứ làm chuẩn thật sự cần thiết. Nhưng nhìn sự cố gắng của những người mang trong mình giọng nói quê hương, sao tôi thấy, những người nói chuẩn bẩm sinh có vẻ thật ích kỉ.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment